Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

29/11/2015 17:07

Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị lãnh đạo mọi mặt hoạt động của cơ quan, đơn vị. Sự vững mạnh của các tổ chức cơ sở đảng là điều kiện bảo đảm cho sự vững mạnh của toàn Đảng. Vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng là cơ sở vững chắc đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng là tổng hợp những khả năng, điều kiện chủ quan của tổ chức cơ sở đảng được tạo nên từ những yếu tố nội sinh, từ sự phấn đấu của bản thân tổ chức cơ sở đảng để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng chính là khả năng, điều kiện của tổ chức cơ sở đảng trong việc thực hiện các khâu, các bước đó của quy trình lãnh đạo nhằm đạt được kết quả cao trong thực tiễn. Năng lực đó được phản ánh thông qua việc ra nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết, kiểm tra, giám sát và sơ, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của các tổ chức cơ sở đảng.

Cùng với năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cũng là biểu hiện về khả năng, sức mạnh của tổ chức cơ sở đảng. Sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được biểu hiện trước hết ở trình độ giác ngộ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng của tổ chức cơ sở đảng trước mọi biến động của tình hình chính trị - xã hội. Khả năng khắc phục những biểu hiện tiêu cực, sai trái, những hạn chế, khuyết điểm của bản thân tổ chức cơ sở đảng và của cơ quan, đơn vị. Nhạy bén về chính trị và kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm, hành động thù địch, ngăn chặn tác động tiêu cực từ bên ngoài của cấp ủy, đảng viên. Thể hiện ở việc ủng hộ cái đúng, cái mới, cái tiến bộ, bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước. Thể hiện ở sự đoàn kết, kỷ luật nghiêm và chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Thể hiện ở tính tiên phong gương mẫu, ý chí quyết tâm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là vấn đề có tính quy luật, là yêu cầu tất yếu khách quan trong xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được tiến hành trong mọi lĩnh vực hoạt động, ở tất cả các khâu, các bước, các mối quan hệ trong quá trình xây dựng và lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, với nhiều biện pháp phong phú sinh động. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chi bộ, đảng bộ về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng và việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị

Các cấp ủy tổ chức đảng phải nâng cao nhận thức cho các chi bộ, đảng bộ về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng đối với việc thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, trong tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng. Đội ngũ đảng viên phải nhận thức đúng tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị, là trung tâm đoàn kết trong toàn cơ quan, đơn vị, sự vững mạnh của các tổ chức cơ sở đảng là điều kiện để cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Tập trung giáo dục nâng cao nhận thức cho đảng viên, cấp ủy viên về tầm quan trọng của năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nhận thức đúng chất lượng cấp ủy viên, chất lượng đội ngũ đảng viên là yêu tố quyết định đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Giáo dục nhận thức đúng những quan điểm chỉ đạo của Đảng trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng hiện nay. Nhận thức đúng những yếu tố tác động đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Trên cơ sở nâng cao nhận thức, các cấp ủy cần tập trung nâng cao trách nhiệm của cấp ủy viên, đảng viên trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trách nhiệm của đảng viên thể hiện ở việc tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ hiểu biết về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, quán triệt và thực hiện thắng lợi nghị quyết của cấp trên và của cấp mình. Cấp ủy phải thể hiện trách nhiệm trong việc tăng cường giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp công nhân cho đội ngũ đảng viên. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao trình độ trí tuệ, chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm cho cán bộ, đảng viên đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ đảng viên trong chấp hành các nguyên tắc, quy định sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng. Bồi dưỡng nâng cao trình độ, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên trong đấu tranh chống những tiêu cực và âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với Đảng, cách mạng, bảo vệ cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện những nội dung trên, cấp ủy, tổ chức đảng phải duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt học tập. Tổ chức tốt việc học tập chính trị trong bồi dưỡng nguồn phát triển đảng, bồi dưỡng đảng viên mới và học tập nghị quyết theo quy định. Thông qua các buổi sinh hoạt mà nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên. Bí thư, cấp ủy viên phải gương mẫu trong học tập, nghiên cứu, thật sự là người tuyên truyền, hướng dẫn đảng viên trong tổ chức cơ sở đảng.

Hai là, thường xuyên kiện toàn chi bộ về mặt tổ chức, đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, chăm lo xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh

Kiện toàn chi bộ, trước hết phải chăm lo xây dựng cấp ủy vững mạnh. Cấp ủy phải được lựa chọn đúng theo tiêu chuẩn cấp ủy viên phù hợp với đặc điểm yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đòi hỏi: “Mỗi cấp uỷđảng phải là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy phong trào cách mạng sôi nổi tiến lên”[1]. Mọi hoạt động xây dựng tổ chức cơ sở đảng, các khâu, các bước trong tiến trình lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng đều có sự đề xuất chỉ đạo, tổ chức điều hành, quản lý, kiểm tra của cấp uỷ đảng. Các cấp uỷ đảng là người trực tiếp dự thảo, hoàn chỉnh nghị quyết, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết, nắm tình hình, kết quả, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, duy trì các nguyên tắc tổ chức, chế độ sinh hoạt Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức, giải quyết các mối quan hệ của tổ chức cơ sở đảng và đơn vị.

Cùng với kiện toàn cấp ủy, các tổ chức cơ sở đảng phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên phải dựa chắc vào tiêu chuẩn đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng, bám sát với đặc điểm lãnh đạo của từng tổ chức cơ sở đảng ở các cơ quan, đơn vị để bồi dưỡng nâng cao phẩm chất năng lực cho đảng viên. Thực hiện tốt việc phân loại đảng viên hàng năm, gắn phân loại đảng viên với phân loại cán bộ. Quản lý chặt chẽ chất lượng đảng viên, coi trọng quản lý tư tưởng, động cơ, thái độ chính trị trong thực hiện nhiệm vụ. Cấp ủy phải bám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị để đánh giá chính xác phẩm chất, năng lực của đảng viên, trên cơ sở đó có biện pháp giáo dục, quán lý, bồi dưỡng phù hợp. Kết hợp giữa giáo dục đảng viên với rèn luyện đảng viên thông qua thực tiễn công tác. Các chi bộ cần phân công cụ thể cấp ủy viên phụ trách từng mặt công tác, phân công đảng viên thực hiện nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và khả năng của đảng viên. Đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật đảng, đưa ra khỏi tổ chức đảng những đảng viên không đủ tư cách, vi phạm kỷ luật theo đúng Điều lệ Đảng.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ bảo đảm cho mọi hoạt động của các chi bộ có chất lượng, hiệu quả, là cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung từng buổi sinh hoạt gắn với đặc điểm lãnh đạo của từng tổ chức cơ sở đảng; làm tốt các bước chuẩn bị sinh hoạt, tiến hành sinh hoạt và triển khai thực hiện sau khi sinh hoạt chi bộ.

Ba là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt đảng, gắn nâng cao chất lượng ra nghị quyết với tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của các cấp uỷ đảng

Để việc chấp hành nguyên tắc của Đảng được nghiêm túc, hiệu quả cao, nguyên tắc phải được quán triệt và thực hiện đầy đủ trong sinh hoạt, trong phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện các mặt công tác của cấp uỷ, phải lưu ý giải quyết tốt các mối quan hệtrong các tổ chức cơ sở đảng. Giải quyết tốt các mối quan hệ công tác của cấp ủy. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ viên về nguyên tắc của Đảng; người bí thư, cán bộ chủ trì phải mô phạm, nêu cao tính Đảng, tinh thần tự phê bình và phê bình, gương mẫu chấp hành và duy trì thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quy định trong đảng uỷ; kiên quyết đấu tranh khắc phục các biểu hiện sai trái, mở rộng dân chủ trong tổ chức đảng.

Thường xuyên kiện toàn uỷ ban kiểm tra, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các uỷ viên, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực chuyên môn cho đội ngũ này. Duy trì nghiêm chế độ kiểm tra, kết hợp kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra và giám sát. Kết hợp kiểm tra với nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên và giáo dục chính trị tư tưởng, xử lý kỷ luật. Đi sâu kiểm tra về chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng, về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, gắn kiểm tra với chống tham nhũng, tiêu cực trong đảng bộ, chi bộ.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng

Đối với đảng ủy cấp trên, thường xuyên có nghị quyết lãnh đạo đúng đắn để các tổ chức cơ sở đảng quán triệt, cụ thể hóa sát với yêu cầu lãnh đạo nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng ủy phải nắm chắc chất lượng lãnh đạo, chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, chất lượng đảng viên để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo kịp thời. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, đảng viên, việc quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên, chấp hành các nguyên tắc, chế độ quy định của các tổ chức cơ sở đảng bảo đảm cho các tổ chức cơ sở đảng chấp hành nghiêm túc, thực hiện có chất lượng. Đảng ủy phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, xây dựng và củng cố sự đoàn kết trong cấp ủy, giữa lãnh đạo và chỉ huy tạo ra sự đoàn kết, nhất trí cao trong các tổ chức cơ sở đảng. Đảng ủy quan tâm xây dựng đội ngũ bí thư, cán bộ chủ trì có đủ phẩm chất, năng lực, thật sự là trung tâm đoàn kết, là “linh hồn” của tổ chức cơ sở đảng.

Đối với các cơ quan, ban ngành, nghiên cứu nắm chắc các quy định, hướng dẫn về xây dựng tổ chức cơ sở đảng để hướng dẫn thực hiện nghiêm túc, đúng đắn. Nắm chắc chất lượng lãnh đạo ở các tổ chức cơ sở đảng để tham mưu cho đảng ủy có chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng. Chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ mọi mặt công tác của các tổ chức đảng, nhất là trong đại hội nhiệm kỳ, nhận xét đánh giá đảng viên, công tác cán bộ, kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng.

Đối với các tổ chức quần chúng, giáo dục cho các thành viên nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng, vai trò của các tổ chức trong tham gia xây dựng Đảng. Giáo dục nhận thức đúng những quy định trong tham gia xây dựng Đảng, quy trình, cách thức tham gia đóng góp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên. Các tổ chức chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên làm cơ sở vững chắc trong tham gia xây dựng Đảng.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.1996, tập 10, tr.205.