Dân quân tự vệ Việt Nam - “Bức tường sắt” trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc

Kế thừa, phát huy và phát triển sáng tạo truyền thống toàn dân đánh giặc của cha ông, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm tổ chức ra các Đội tự vệ công nông, phát triển lên thành lực lượng Dân quân tự vệ - một trong ba bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Trên chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Dân quân tự vệ ngày càng khẳng định và phát huy vai trò là lực lượng chiến lược, nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân, trở thành “bức tường sắt” trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

24/03/2015 14:14

Kế thừa, phát huy và phát triển sáng tạo truyền thống toàn dân đánh giặc của cha ông, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm tổ chức ra các Đội tự vệ công nông, phát triển lên thành lực lượng Dân quân tự vệ - một trong ba bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Trên chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Dân quân tự vệ ngày càng khẳng định và phát huy vai trò là lực lượng chiến lược, nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân, trở thành “bức tường sắt” trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngược dòng thời gian, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, ngày 28/3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã thảo luận và thông qua “Nghị quyết về Đội tự vệ”. Nghị quyết xác định bản chất giai cấp, bản chất cách mạng của Đội tự vệ - một tổ chức có tính chất bán vũ trang của quần chúng nhân dân lao động, chủ yếu là công nông do Đảng của giai cấp công nhân tổ chức và lãnh đạo. Mục đích của việc tổ chức ra các Đội tự vệ được Đảng ta xác định: “Ủng hộ quần chúng hàng ngày, ủng hộ quần chúng trong các cuộc đấu tranh, ủng hộ các cơ quan cách mạng và chiến sĩ cách mạng, huấn luyện quân sự cho chiến sĩ cách mạng, chống quân thù của giai cấp công nhân và vận động cách mạng phát triển thắng lợi” [1].

Quán triệt quan điểm chỉ đạo trên, trong thời kỳ chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, tổ chức ra các Đội tự vệ, Đội du kích trên nền tảng của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân. Từ những đội “Tự vệ đỏ” - tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam ra đời trong cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đến Đội du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Du kích Ba Tơ, Quân du kích Nam Kỳ, các Đội du kích hoạt động trong các chiến khu trên khắp cả nước… đều được tổ chức trên cơ sở lực lượng chính trị của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và làm nòng cốt cho khởi nghĩa từng phần ở các địa phương, là lực lượng xung kích trong Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị Pháp - Nhật, giành chính quyền cách mạng về tay công nông (8/1945).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kháng chiến toàn dân, toàn diện, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh phát triển lực lượng Dân quân tự vệ, du kích không thoát ly sản xuất làm lực lượng nòng cốt đánh địch ở địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Những tổ chức dân quân tự vệ, du kích ấy chẳng những có thể phụ trách việc đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an trong làng xã, bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà lại có thể bổ sung cho bộ đội chủ lực” [2]. Nhờ đó, lực lượng Dân quân tự vệ, du kích đã có bước phát triển vượt bậc “từ khoảng chục vạn người trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tăng lên khoảng 1 triệu người đầu năm 1946, có quy mô rộng khắp cả nước, tạo thành một mạng lưới giăng khắp núi rừng, đồng bằng, đô thị” [3]. Về tổ chức, Dân quân tự vệ, du kích từng bước được thống nhất, là một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do các xã đội, huyện đội, tỉnh đội chỉ huy, quản lý và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp.

Các chiến sỹ Vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu giữ từng căn nhà, góc phố trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. (ảnh tư liệu)

Thực hiện chủ trương “biến hậu phương của địch thành tiền tuyến của ta”, với các loại vũ khí thô sơ trong tay, nhưng Dân quân tự vệ, du kích đã dựa vào địa hình, địa vật của xóm làng, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân tiến hành diệt ác, trừ gian, góp phần xây dựng, mở rộng và bảo vệ các vùng căn cứ; đồng thời, phối hợp với bộ đội địa phương tiến hành chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, giam chân địch trong các đô thị, thành phố, thị xã. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, nhất là Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, hoạt động của Dân quân du kích phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tiến công mạnh mẽ, góp sức lớn vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, lực lượng Dân quân tự vệ, du kích hai miền Nam - Bắc tiếp tục có nhiều đóng góp công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Tự vệ Hà Nội sát cánh cùng bộ đội pháo cao xạ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô năm 1972. (ảnh tư liệu)

Trên miền Bắc, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, cùng với việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại, lực lượng Dân quân tự vệ, du kích cũng từng bước được chăm lo, phát triển, đáp ứng yêu cầu cách mạng, sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực khi có lệnh động viên. Dân quân tự vệ, du kích vừa tham gia sản xuất, phát triển kinh tế vừa đóng góp vào bảo vệ trật tự trị an, phối hợp các lực lượng khác làm thất bại hoạt động tung biệt kích thám báo của Mỹ, hòng gây rối miền Bắc.

Tiếp đó, trong những năm đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965 - 1973), Dân quân tự vệ miền Bắc phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng (chiếm 12% dân số miền Bắc), được biên chế, tổ chức thành các trung đội, đại đội, có nơi thành lập tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn; được trang bị các loại vũ khí phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu của từng lực lượng [4]. Trên các địa phương miền Bắc, phối hợp với lực lượng công an nhân dân lập nhiều thành tích, giữ vững an ninh trật tự, Dân quân tự vệ còn là lực lượng nòng cốt và linh hồn trong các phong trào sản xuất, chiến đấu: “Tay cày, tay súng”, “Tay búa tay súng”, “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “Tiếng hát át tiếng bom”... Ngoài ra, Dân quân tự vệ còn là “mắt xích” quan trọng trong lưới lửa phòng không ba thứ quân nhiều tầng, nhiều hướng, góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ở miền Nam, các Đội tự vệ vũ trang, du kích xuất hiện làm nòng cốt hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị chống chính sách bình định của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đến năm 1960, Dân quân tự vệ, du kích miền Nam phát triển khoảng 10.000 người với các Đội tự vệ, Đội du kích ở các thôn, xã, ấp. Kết hợp phương châm đấu tranh “hai chân”, “ba mũi”, “ba vùng” của Đảng, quân và dân miền Nam đẩy mạnh chiến tranh du kích, Dân quân tự vệ, du kích phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh bại các chiến thuật chiến tranh mới “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, gom dân, lập Ấp chiến lược của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khi Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, để chủ động chuẩn bị đối phó với đối tượng tác chiến mới, lực lượng cách mạnh miền Nam trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, mà Dân quân tự vệ, du kích là một thành phần trọng yếu đã phát triển nhanh chóng. Đến năm 1966, Dân quân tự vệ và du kích trên toàn miền là 301.354 người, trong đó có 152.037 người trực tiếp chiến đấu; năm 1967 đã lên 302.638 người, có 154.159 trực tiếp chiến đấu [5]. Dân quân tự vệ, du kích vẫn là lực lượng nòng cốt củng cố thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt và giam quân địch tại các căn cứ đóng quân với hệ thống “Vành đại diệt Mỹ”… góp phần hỗ trợ đắc lực Quân giải phóng đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968).

Sau khi Hiệp định Pa-ri ký kết, lực lượng Dân quân tự vệ và dân quân du kích không ngừng được củng cố và phát triển, là lực lượng xung kích đánh bại chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” của địch. Đến đầu năm 1975, Dân quân tự vệ và du kích miền Nam đã đạt tới 296.984 người, trong đó có 83.953 người trực tiếp tham gia chiến đấu… [6]. Quán triệt phương châm “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, Dân quân tự vệ, du kích là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tác chiến ở các làng xã; bảo vệ dân, bảo vệ địa bàn; đồng thời, sẵn sàng bổ sung tăng cường lực lượng cho bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực, góp phần quan trọng vào chiến công chung của quân và dân cả nước trong Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Dân quân tự vệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh - “Bức tường sắt” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (ảnh: Trọng Anh)

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phát triển đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, cùng với việc xây dựng quân đội thường trực chính quy, hiện đại, thì Dân quân tự vệ cũng không ngừng được chú trọng củng cố với phương hướng là “lực lượng hậu bị chiến lược” cho quân chủ lực. Dân quân tự vệ, du kích là lực lượng đông đảo tham gia phối hợp cùng quân dân ta chiến đấu bảo vệ lãnh thổ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, dân tộc. Hơn nữa, Dân quân tự vệ trở thành lực lượng hậu thuẫn trực tiếp quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, trấn áp các phần tử chống đối, phá hoại sự nghiệp cách mạng; góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân; đồng thời Dân quân tự vệ còn là lực lượng hùng hậu trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, xây dựng làng xóm, quê hương…

Những đóng góp vô cùng to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt tám thập kỷ qua, Dân quân tự vệ xứng đáng với lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã” [7]. Trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới”, Dân quân tự vệ vẫn được coi là lực lượng nòng cốt xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng làng, xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ tỉnh hiện nay, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

[1] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 5 (1935), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 91.

[2] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.13.

[3] - Cục Dân quân tự vệ, Lịch sử 65 năm ngành Dân quân tự vệ Việt Nam (1947-2012), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr. 19.

[4] - Bộ Tổng Tham mưu, Dân quân tự vệ Việt Nam - 70 năm một chặng đường (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 12.

[5], [6] - Bộ Tổng tham mưu, “Thống kê số liệu chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)”. Phần thứ nhất: Lực lượng vũ trang ta trong kháng chiến chống Mỹ, số 7436/KTCM. Tài liệu Trung tâm lưu trữ BQP (K4), tr. 8.

[7] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5 (1947-1948), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 158.