Đại gia thép JFE vào Việt Nam qua “cửa” Formosa

Chấm dứt đeo đuổi Dự án Thép Guang Lian, nhưng Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) vẫn chưa từ bỏ kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Họ chọn cách đi đường vòng là mua 5% cổ phần trong Dự án Liên hợp Thép Formosa (Hà Tĩnh).

28/07/2015 13:53

Chấm dứt đeo đuổi Dự án Thép Guang Lian, nhưng Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) vẫn chưa từ bỏ kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Họ chọn cách đi đường vòng là mua 5% cổ phần trong Dự án Liên hợp Thép Formosa (Hà Tĩnh).

JFE, tập đoàn thép lớn thứ hai Nhật Bản sẽ hoàn tất kế hoạch mua 5% cổ phần trong Dự án Liên hợp Thép Formosa, vốn đầu tư 9,9 tỷ USD, trong tháng 8 tới. Thông tin này đã được báo chí nước ngoài đưa tin và cũng đã được đại diện Formosa tại Việt Nam chính thức xác nhận. Khoản tiền mà JFE bỏ ra để đặt được chân và có lợi ích ở dự án thép lớn nhất Việt Nam này là khoảng 30 tỷ yên (tương đương 242 triệu USD).

Khi thương vụ hoàn tất, JFE sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy cán thép, bao gồm cả việc sản xuất tấm thép cán nóng. JFE cũng chịu trách nhiệm bán một phần sản lượng cho các nhà máy thép trong khu vực, đồng thời tinh chế hơn nữa các sản phẩm này tại các nhà máy thép do JFE đồng sở hữu với các nhà đầu tư khác trong khu vực.

Như vậy, sau khi tuyên bố rút khỏi Dự án Thép Guang Lian (Quảng Ngãi), có vốn đầu tư 3 tỷ USD, JFE vẫn quyết tâm đầu tư tại Việt Nam. Đường đi mà họ chọn là đường vòng hơn, nhưng xem ra ít rủi ro và đỡ tốn cả công sức lẫn tiền của hơn.

Nếu JFE đầu tư vào Guang Lian, họ sẽ phải thu xếp nguồn vốn khổng lồ, lên tới 4,5 tỷ USD trong kế hoạch của giai đoạn I và có thể lên tới 7 tỷ USD nếu tiếp tục triển khai giai đoạn II.

Khi JFE ngừng cuộc chơi ở Guang Lian, ngoài các vấn đề liên quan đến ưu đãi đầu tư, thì lý do được cho là quan trọng nhất xuất phát từ việc đồng yên mất giá, khiến chuyện đầu tư của JFE trở nên đắt đỏ hơn. Chưa kể, JFE lo ngại chuyện thị trường thép suy giảm, trong khi có khá nhiều dự án thép lớn đã và đang được xây dựng tại Việt Nam, cũng như ở miền Nam Trung Quốc.

Hiện ở Việt Nam, ngoài Liên hợp Thép Formosa đang được khẩn trương xây dựng tại Hà Tĩnh, thì ở khu vực phía Nam còn có các dự án thép của Posco, China Steel… Và JFE xem ra đã có sự lựa chọn khôn ngoan khi quyết định đầu tư vào dự án thép có địa điểm khá gần với Dự án Guang Lian, cũng là dự án có khả năng cạnh tranh nhiều nhất với Guang Lian. Thêm vào đó, Liên hợp Thép Formosa đã vào giai đoạn nước rút, nên JFE sẽ sớm thu được lợi ích hơn là đeo đuổi một dự án tới vài năm sau mới có thể hoàn thành.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, khoảng tháng 11 năm nay, lò cao đầu tiên của Dự án Liên hợp Thép Formosa sẽ chạy thử, sau đó vận hành thương mại - đúng như dự kiến của Tập đoàn Formosa.

Trong khi đó, Dự án Guang Lian cho tới thời điểm này đã coi như phá sản, bởi sau sự rút lui của JFE, nhà đầu tư E-United (Đài Loan) đã tuyên bố không thể thu xếp tài chính để tiếp tục đầu tư Dự án và tỉnh Quảng Ngãi đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để thu hồi dự án này.

Liên quan đến Dự án Liên hợp Thép Formosa, như Báo Đầu tư đã thông tin, China Steel Corp. (Đài Loan) cũng đang có kế hoạch nâng tỷ lệ cổ phần trong Dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh lên 25%, từ mức 5% hiện tại. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có thông tin cụ thể về quá trình đàm phán thương vụ này.

Chỉ biết rằng, trong báo cáo của China Steel liên quan đến cuộc họp HĐQT cách đây ít tháng, HĐQT của China Steel đã thống nhất việc bỏ ra 939 triệu USD để mua thêm cổ phần trong Dự án Formosa Hà Tĩnh. Thương vụ này dự kiến được thực hiện thông qua công ty con là China Steel Asia Pacific Holdings Pte. Ltd.

Cũng theo thông tin trên, việc China Steel mua thêm cổ phần trong Dự án Formosa Hà Tĩnh là một phần của kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài của Công ty. Thương vụ này sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của Công ty với Formosa và mở đường cho sự hợp tác trong tương lai liên quan đến việc mở rộng đầu tư, kinh doanh sang các thị trường châu Á khác, gồm Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.

Sự có mặt của đại gia JFE và việc China Steel tăng sở hữu tại Dự án Formosa sẽ góp phần quan trọng cho quá trình triển khai Dự án, cũng như việc kinh doanh sau này.

Formosa và các thành viên của Tập đoàn dù nắm giữ phần lớn cổ phần trong Dự án Liên hợp Thép Formosa, nhưng trên thực tế lại không có kinh nghiệm trong sản xuất thép. China Steel mới là nhà sản xuất thép có nhiều kinh nghiệm. Chính vì vậy, Formosa cũng đã từng bày tỏ kỳ vọng rằng, sự tham gia của China Steel sẽ hỗ trợ nhiều cho quá trình thực hiện Dự án.