Công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước
13/02/2020 08:55
Loạt bài 2 kỳ “Công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước” của tác giả Tiểu Phương, Báo Nhân Dân đoạt Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao giải B cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Những nhiệm kỳ gần đây, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đã chỉ ra không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và truy tố theo pháp luật.
Song hành nhiệm vụ "xây" và "chống" để tạo ra đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo DNNN có tính Ðảng cao, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực điều hành và quản trị chuyên nghiệp phù hợp chuẩn mực quốc tế, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước là đòi hỏi cấp thiết và lâu dài, cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Bài 1: Bài học sâu sắc từ những "đại án"
Tổng kết hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, trong toàn Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư có 30 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật do vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, quy định của Ðảng; đã thi hành kỷ luật 1.872 đảng viên, trong đó có 440 cấp ủy viên, 216 trường hợp bị khai trừ; nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quá trình xử lý để lại những bài học đắt giá trong quản lý, giám sát hoạt động của DNNN nói chung, công tác lựa chọn, bổ nhiệm, quản lý, giám sát cán bộ trong DNNN nói riêng, nhất là những đảng viên được giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp (DN).
Biến hóa khôn lường
Ðiểm lại một số vụ, việc điển hình xảy ra tại các DNNN từ nhiệm kỳ Ðại hội X của Ðảng đến nay, cho thấy, tình trạng vi phạm xảy ra dưới nhiều dạng thức, biến hóa khôn lường trong nhiều lĩnh vực, từ công tác tài chính, đầu tư, quản lý, điều hành DN đến công tác cán bộ. Qua công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật của Ðảng, những biểu hiện tha hóa quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ chủ chốt nắm quyền lãnh đạo, điều hành DNNN và cơ chế quản lý chồng chéo, kém hiệu quả đã được chỉ ra.
Quá trình xem xét, điều tra, xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế từng xảy ra trong giai đoạn trước đây tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, các tổ chức tài chính nhà nước như Vietinbank, Agribank, BIDV...; các tập đoàn, tổng công ty Vinashin, Vinalines, Mobifone, PVN..., đã làm rõ những hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để lũng đoạn tổ chức, bộ máy; trục lợi cá nhân, tham nhũng. Tình trạng tha hóa quyền lực biểu hiện ở mức nghiêm trọng, khi một số cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN móc nối, ăn chia lợi ích bất chấp các quy định của pháp luật, từ việc lựa chọn hình thức huy động vốn, đầu tư vốn, thẩm định tình hình tài chính; buông lỏng công tác chỉ đạo, lãnh đạo trong quản lý vốn, tài chính, tài sản nhà nước, buông lỏng công tác quản lý các dự án đầu tư, vi phạm trong chỉ đạo bán thầu, chuyển nhượng hợp đồng; tự thực hiện nhiều gói thầu không đúng pháp luật quy định; quy trình chỉ định thầu được tiến hành nhanh chóng, sơ sài, nhiều nội dung chỉ mang tính hình thức; có sự ưu ái bất thường trong việc giao thầu... gây bức xúc dư luận. Sự thiếu gương mẫu của bộ phận cán bộ cấp cao trong công ty mẹ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khi phần lớn công ty con đều có sai phạm. Một số trường hợp, quá trình quản lý, điều hành DNNN, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tài sản, tiền vốn nhà nước dẫn đến hậu quả không có khả năng thanh toán các khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, nguy cơ phá sản và ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng, hàng nghìn lao động mất việc làm.
Bài học về giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Ðảng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức, cán bộ cần được rút kinh nghiệm sâu sắc trong các DNNN; qua hàng loạt vụ việc tiêu cực đã xem xét, thi hành kỷ luật ban thường vụ cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy DN. Ðó là những hành vi bất chấp nguyên tắc đảng khi người đứng đầu một số DNNN có quy mô lớn đã tự quyết định bổ nhiệm người thân mà không có ý kiến của Ban Thường vụ Ðảng ủy và nghị quyết của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên (HÐQT/HÐTV); cử người thân làm đại diện vốn của Nhà nước tại DN khác trái quy định của Chính phủ... Việc bổ nhiệm hàng chục cán bộ không trong quy hoạch, có trường hợp không đủ tiêu chuẩn; không xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ lãnh đạo đơn vị trực thuộc có vi phạm, khuyết điểm; có trường hợp lãnh đạo, điều hành DN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm vẫn được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn.
Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, trong DNNN nói riêng ở nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng đã tạo ra những đột phá được cho là chưa có trong tiền lệ, khi kỷ luật, truy tố một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, do những sai phạm nghiêm trọng ở thời kỳ trước đó, trong vai trò người đứng đầu cấp ủy DNNN. Ðó là một trong những vụ án trọng điểm được Trung ương trực tiếp chỉ đạo xử lý. Một loạt cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ của tập đoàn đã bị xử lý kỷ luật, khai trừ Ðảng và truy cứu trách nhiệm hình sự. Liên quan sai phạm xảy ra tại các DNNN, một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bộ quản lý ngành cũng phải chịu trách nhiệm, bị thi hành kỷ luật đảng, có trường hợp bị khởi tố.
Không khó để nhận thấy tình trạng lạm quyền, lộng quyền bất chấp các quy định pháp luật của một số cán bộ, đảng viên được giao quyền trong DNNN. Quyền lực quá lớn nhưng thiếu giải pháp kiểm soát dẫn đến các hành vi tự tung, tự tác và hậu quả thật khôn lường. Nhìn từ nhiều khía cạnh cho thấy những bài học đắt giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý DNNN; về năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong chấp hành các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước tại DNNN. Ðáng chú ý là cơ chế kiểm soát quyền lực còn nhiều bất cập khi xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát đối với người được chọn đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN.
Trách nhiệm chồng chéo
Ðảng và Nhà nước đã tạo ra hệ thống văn bản quy định về phân cấp quản lý hoạt động DNNN, cũng như quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (các chức danh bao gồm: chủ tịch HÐTV; chủ tịch công ty; thành viên HÐTV; kiểm soát viên; tổng giám đốc; phó tổng giám đốc; giám đốc; phó giám đốc; kế toán trưởng), về cơ bản, đã tạo hành lang pháp lý cho DNNN hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật. Cụ thể như Nghị định 97/2015/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại DN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Quy định 105-QÐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử..., bảo đảm nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ. Ban cán sự đảng bộ quản lý ngành và người đứng đầu được ủy quyền trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ DNNN trong phạm vi quản lý.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm xảy ra ở hầu hết các khâu trong hoạt động của DNNN như thời gian qua, cho thấy tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, tác động tiêu cực ở phạm vi lớn. Một trong những nguyên nhân là sự phân định chưa rõ ràng trong các quy định về cơ chế, chính sách quản lý DNNN; việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại DN giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi. Thực tế này dẫn đến khó xác định trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (là các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh) và của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm...
Nhiều ý kiến cho rằng, sự phân tán đầu mối chịu trách nhiệm vừa làm giảm hiệu lực quản lý, vừa không rõ trách nhiệm giải trình; thiếu đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả, hiệu quả kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn đầu tư nhà nước trong DN. Sau các vụ việc đã xảy ra tại Mobifone, PVC... cho thấy, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với việc bổ nhiệm sai hay kinh doanh thua lỗ cần được làm rõ. Việc phối hợp chưa hiệu quả giữa các bộ, ngành dẫn đến thiếu thông tin và khả năng đánh giá tổng thể một DNNN, không đủ căn cứ đánh giá chính xác chất lượng công tác của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN. Do đó, có những cán bộ quản lý, điều hành DN thua lỗ kéo dài, đầu tư thất thoát... nhưng vẫn được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN còn nhiều vướng mắc, lúng túng trong xử lý các vấn đề cần có sự tham gia ý kiến của nhiều bộ khác nhau cũng là nguyên nhân chậm phát hiện vi phạm... Bên cạnh đó, việc trao quyền cho người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN quá lớn, trong khi chế độ báo cáo, xin ý kiến trước khi biểu quyết những vấn đề quan trọng của DNNN chưa được quy định cụ thể. Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế, không thường xuyên, vì thế tính chất cảnh báo, phòng ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động của nhiều DNNN không phát huy hiệu quả như mong đợi.
Hiện nay, một số quy định, hướng dẫn của Ðảng và Nhà nước về công tác cán bộ trong DN còn có nội dung chưa đồng bộ, cho nên khi thực hiện quy hoạch, đánh giá, phân loại cán bộ, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Theo một số quy định hiện hành, các bộ, ngành là chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN chủ trì thực hiện quy trình công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý DN (quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật...), có ý kiến của Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư. Ðảng ủy Khối chủ trì thực hiện quy trình công tác cán bộ cấp ủy DN, ban cán sự đảng bộ, ngành tham gia ý kiến. Tuy đã có quy chế phối hợp công tác giữa Ðảng ủy Khối với ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, theo Quyết định số 219 - QÐ/TW của Ban Bí thư, nhưng trên thực tế sự phối hợp có lúc còn thiếu chặt chẽ.
Một số trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý DN trong Khối không lấy ý kiến của Ðảng ủy Khối. Có DN khuyết cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong thời gian dài nhưng chậm được kiện toàn đã ảnh hưởng đến việc kiện toàn chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy DN. Chưa kể, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối thuộc sự quản lý nhà nước và quản lý vốn của nhiều bộ, ngành khác nhau, do đó trong công tác cán bộ nhìn chung còn khép kín trong từng DN, đơn vị, ít có sự liên thông.
Và không thể không thấy những yếu kém đến từ yếu tố con người. Ðó là trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, quản trị DN của một số cán bộ quản lý DNNN hạn chế, do việc bố trí công chức quản lý nhà nước chuyển sang quản lý DNNN chưa phù hợp. Quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý DNNN chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của DN trong cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; còn nặng về quy trình tuyển chọn có tính hành chính. Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu lợi ích riêng và gây thất thoát lớn, thua lỗ lớn cho một số DNNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng.
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Ngăn ngừa lạm quyền trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần những giải pháp căn cơ, sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý DNNN.
Cơ chế đó bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng, nâng cao năng lực quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trong doanh nghiệp (DN). Mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới DNNN phù hợp các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN; xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động kinh doanh thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả... như các Nghị quyết T.Ư 5, T.Ư 7, khóa XII đề ra.
Bài 2: Ðồng bộ các giải pháp
Nâng cao vai trò của cấp ủy
Ðổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, nâng cao vai trò của cấp ủy đối với công tác cán bộ trong DNNN, là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn. Trước hết là hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong các DNNN cho phù hợp tình hình thực tiễn, cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Trong 33 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư, có 22 đảng bộ không toàn DN. Một số công ty, chi nhánh của các DN này có trụ sở đặt tại các tỉnh, thành phố, về chuyên môn, chịu sự điều hành của tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng nhưng tổ chức đảng lại trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, có nơi trực thuộc huyện ủy. Do đó đảng ủy tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối không có điều kiện để thực hiện đầy đủ vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ, không quyết định đánh giá đảng viên, không kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ một cách toàn diện... Về phía Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư, với đặc thù không có chính quyền cùng cấp, Ðảng ủy Khối không quyết định mà chỉ tham gia với cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý các DN trong Khối, vì vậy không có đầy đủ cơ sở để theo dõi, nắm bắt và đánh giá cán bộ một cách toàn diện.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác cán bộ, Ðảng bộ Khối đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác cán bộ; giúp các đảng ủy DN lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và nhất quán quy định, quy trình công tác cán bộ; khắc phục tình trạng lúng túng, không rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quy hoạch cán bộ; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy DN, nhất là vị trí, vai trò của ban thường vụ cấp ủy. Mặt khác, để tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát khi cán bộ và công tác cán bộ trong Khối liên quan nhiều cấp, nhiều ngành quản lý, Ban Thường vụ Ðảng ủy Khối đã ký quy chế phối hợp công tác với một số ban Ðảng T.Ư và ban cán sự đảng, đảng đoàn của các bộ, ngành liên quan; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN. Các Ðảng ủy tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng ký hợp tác với các cấp ủy địa phương, nơi có đơn vị của DN đóng trên địa bàn. Nội dung trọng tâm là công tác cán bộ.
Từ thực tiễn gần 10 năm thực hiện Quy định 196-QÐ/TW của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, ngày 13-2-2017, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 69-QÐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong tập đoàn kinh tế, DNNN, tổ chức tài chính nhà nước; DN, ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Ban Bí thư quy định rõ, các đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên (HÐQT/HÐTV), chủ tịch công ty, tổng giám đốc; bố trí một phó bí thư thường trực phụ trách công tác xây dựng Ðảng; cấp ủy viên được phân công đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong DN. Quy định cũng nêu rõ, không bố trí, phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong DN nếu không phải là cấp ủy viên cấp trên hoặc cùng cấp. Các cơ quan tham mưu giúp việc của đảng ủy được hợp nhất với các cơ quan chuyên môn của DN có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Với Quy định số 69, Trung ương đã nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng trong DN có vốn nhà nước chi phối; là giải pháp tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức cán bộ trong DNNN.
Thực tế hoạt động của DNNN thời gian qua cũng cho thấy, việc giao các bộ, ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN có những điểm chưa phù hợp. Cơ chế này còn bộc lộ khiếm khuyết, hạn chế hiệu quả trong thực hiện quyền chủ sở hữu, quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước cũng như công tác cán bộ. Bộ chủ quản vừa làm chức năng quản lý nhà nước về chuyên môn, vừa là chủ sở hữu vốn nhà nước, chi phối nhân sự cấp cao của DN, cùng các kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển, nghĩa là "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Do đó, cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa XII, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10-2018, mục tiêu quản lý các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, quan trọng thuộc diện chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật. Ðây là giải pháp nhằm tạo đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DN có vốn đầu tư của Nhà nước, với kỳ vọng bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; chú trọng phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, yếu tố gia đình, "sân sau" chi phối hoạt động DNNN, nhất là trong quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa. Ngày 11-1-2019, Ban Bí thư ban hành quyết định thành lập Ban cán sự đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Ban cán sự đảng Ủy ban chịu sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Ủy ban, trước hết là về công tác cán bộ.
Ðổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ
Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN được đặt ra tại các Hội nghị T.Ư 5, T.Ư 7, khóa XII trở nên "nóng" hơn bao giờ hết, sau hàng loạt vụ, việc cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các DNNN "dính chàm". Nhiệm vụ đó đòi hỏi chiến lược bài bản, dài hơi trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đi đôi với cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân cấp, phân quyền rõ ràng. Ngoài những tiêu chuẩn chung được đề ra tại Quy định số 89-QÐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, người được giao quyền lãnh đạo, quản lý DNNN cần những tiêu chuẩn có tính đặc thù.
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ những tổn thất nặng nề trong công tác cán bộ trước đây, sau khi kiện toàn đội ngũ, nhằm đổi mới toàn diện công tác cán bộ, Ðảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tập trung chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, đơn vị, đoàn thể thật sự nêu cao tính đảng, tinh thần trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Song hành với thực hiện nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, Ðảng ủy xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về xây dựng Ðảng, về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ diện quy hoạch trở lên. Theo Ðảng ủy PVN, mục tiêu trước mắt nhằm thiết lập tổ chức bộ máy, tối ưu hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm thực hiện thắng lợi Chiến lược và Ðề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn đến năm 2025. Mô hình quản trị sớm ứng dụng khoa học - công nghệ để hiện đại hóa, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành của Tập đoàn và các DN thành viên; tinh giản biên chế tổng thể tại công ty mẹ, các đơn vị trực thuộc, DN thành viên, tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi toàn Tập đoàn…
Tạo đột phá trong công tác cán bộ ở DNNN, một số đơn vị đã nghiên cứu, từng bước triển khai thực hiện thí điểm chủ trương thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ quy hoạch để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; xây dựng quy định chế tài xử lý cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ…
Tại Ðảng bộ Tổng Công ty Ðường sắt Việt Nam, Ðảng bộ PVN…, chủ trương này đều được cụ thể hóa tại chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần triển khai cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong DNNN; nghiên cứu xây dựng cơ chế thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên HÐQT, HÐTV, thực hiện cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của HÐQT, HÐTV, ban điều hành, đồng thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng với trách nhiệm và hiệu quả công việc. Bên cạnh tiêu chuẩn chung, cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về lựa chọn người có năng lực, đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn đào tạo, kinh nghiệm, tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị và đạo đức… Phương thức lựa chọn người đại diện và điều hành DNNN cũng cần đổi mới theo hướng tuyển người kèm theo phương án kinh doanh, có hội đồng đánh giá, bỏ phiếu kín, lựa chọn những người được điểm cao nhất để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quản trị điều hành DN trong nhiệm kỳ ba năm. Giám sát và có cơ chế thưởng phạt hằng năm bằng chế độ lương, thưởng, kỷ luật, sa thải. Chế độ luân chuyển, đổi mới người đại diện trong từng DN theo nguyên tắc không được làm đại diện phần vốn nhà nước trong một DN quá hai nhiệm kỳ…
Cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực
Có lẽ chưa khi nào yêu cầu kiểm soát quyền lực được Trung ương đặt cao như nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng. Tại nhiều văn bản chỉ đạo, Trung ương đã chỉ rõ, cần hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Ðối với khu vực DNNN, nơi nắm giữ nguồn lực rất lớn của Nhà nước, có ảnh hưởng nền kinh tế ở tầm vĩ mô, đòi hỏi đó càng trở nên cấp thiết, nhằm ngăn chặn hiện tượng tha hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên được giao quyền quản lý, điều hành DN.
Từ những vụ án sai phạm hàng nghìn tỷ đồng đã chỉ ra hậu quả của sự cấu kết giữa một số cán bộ có chức, có quyền trong DNNN, tạo thành nhóm lợi ích để dễ bề thâu tóm quyền lực, lũng đoạn, tham nhũng. Tình trạng đó có nguyên nhân từ cá nhân cán bộ, đảng viên được giao quyền thiếu tu dưỡng, rèn luyện, nguyên nhân khác là sự suy yếu năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, người lao động trong DNNN. Sự né tránh, ngại va chạm của một tập thể vô hình trung trở thành vỏ bọc bao che cho hành vi tha hóa quyền lực tiến sâu, hậu quả khó kiểm soát.
Một nghiên cứu mới đây của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Ðảng với kiểm soát quyền lực, đã nhận diện một số biểu hiện tha hóa quyền lực thường gặp. Theo đó, có chín lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, với hơn 100 biểu hiện cụ thể về lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thiếu trách nhiệm... Xét trong phạm vi hoạt động của DNNN thì phần lớn các lĩnh vực đều dễ xảy ra vi phạm nếu không được kiểm soát chặt chẽ, từ công tác cán bộ, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, quản lý kinh tế...
Vấn đề đặt ra là chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan trong việc phòng, chống tha hóa quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm; chưa có cơ quan nào có chức năng kiểm soát quyền lực hay định rõ chế tài kiểm soát quyền lực. Ngay cả Ủy ban Kiểm tra các cấp là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của cấp ủy, nhưng trong các nhiệm vụ được quy định cũng chưa có nhiệm vụ, nội dung kiểm soát quyền lực. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong phòng, chống tha hóa quyền lực, trong đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp là lực lượng nòng cốt.
Trong DNNN cũng vậy, thực hiện Quy định số 69-QÐ/TW của Ban Bí thư, tất cả cán bộ có chức, quyền trong DN phải là cấp ủy viên, do đó đều chịu sự kiểm tra, giám sát của Ðảng. Ðồng thời, tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... nhằm tạo rào cản hữu hiệu cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa tha hóa quyền lực trong DNNN. Từ thực tế các vụ việc tiêu cực xảy ra trong các DNNN gần đây cho thấy, cơ chế kiểm soát nội bộ hoạt động không hiệu quả thậm chí bị vô hiệu hóa trong DN. Hạn chế này cần được khắc phục triệt để theo hướng, ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thật sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, hoạt động độc lập và không chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo hoặc chi phối về lợi ích của HÐQT/HÐTV và ban điều hành DN; cần thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật, rủi ro, xung đột lợi ích, lợi ích nhóm, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực, tham nhũng.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính minh bạch, công khai của DNNN và trách nhiệm giải trình của người quản lý DN, nhất là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn của Nhà nước, chi phí, kết quả kinh doanh, phân phối lợi nhuận, công tác cán bộ, các giao dịch lớn, giao dịch với người có liên quan đến người quản lý, tài sản và thu nhập của người quản lý theo các chuẩn mực quốc tế và quy định của pháp luật. Hoàn thiện chế độ kế toán, kiểm toán và hệ thống báo cáo tài chính phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Các cấp ủy cần xây dựng cơ chế để đảng viên và người lao động tham gia giám sát người có chức, quyền trong DNNN; cụ thể hóa và thực hiện đúng quy định, quy chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm túc chế độ kê khai tài sản của cán bộ hằng năm… Tuy nhiên, nếu không có sự sâu sát của cấp ủy, sự tự giác, nghiêm túc thực hiện của cán bộ, đảng viên thì các chế tài cũng chỉ là những quy định có hiệu lực trên giấy, khi hầu hết các trường hợp vi phạm chỉ được xem xét nếu có đơn thư tố cáo chính thức.
Ðể nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý DNNN đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, nâng cao tính Ðảng, ý thức tuân thủ pháp luật; lãnh đạo, điều hành DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đạt từ 70 đến 80% số cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế như mục tiêu Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII đề ra, cần sự vào cuộc tập trung, đồng bộ, quyết liệt và kiên trì của các cơ quan Ðảng, Nhà nước. Thế nhưng, trước hết vẫn là sự tự giác rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng của chính những cán bộ, đảng viên, người được chọn và có triển vọng được chọn (quy hoạch) vào các vị trí lãnh đạo, điều hành DNNN. Khi người được lựa chọn nhận thức đúng, đủ, ý thức trách nhiệm cao, trui rèn khả năng tự miễn trước mọi cám dỗ tầm thường, là một giải pháp hữu hiệu, có tác dụng ngăn ngừa suy thoái từ bên trong trước khi phải đưa ra các chế tài xử lý.