Công nghiệp tăng trưởng cao tháng đầu năm

Tháng mở đầu năm 2015, tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp có dấu hiệu đáng mừng.

30/01/2015 16:17

Tháng mở đầu năm 2015, tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp có dấu hiệu đáng mừng.

Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp, chỉ số tiêu thụ đều tăng khá cao, chỉ số tồn kho chậm lại:

Tốc độ tăng chỉ số sản xuất, tiêu thụ, tồn kho công nghiệp (%). Nguồn số liệu: TCTK

Tốc độ tăng khá cao này do nhiều yếu tố. Trước hết là một số yếu tố đầu vào. Đó là vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tăng khá (8,5%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tiếp tục tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo và vốn thực hiện tiếp tục tăng khá (8,6%). Chi phí đầu vào tăng thấp, có loại còn giảm, khi giá nhập khẩu tháng 1 năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước (giá xăng dầu giảm 42,1%, giá khí đốt hóa lỏng giảm 51,5%, giá chất dẻo giảm 5%, giá cao su giảm 13,2%, giá giấy các loại giảm 3,9%, giá bông giảm 18,8%, giá sợi giảm 3,1%, giá sắt thép giảm 13,7%...).

Giá nhập khẩu giảm đã tạo điều kiện để lượng nhập khẩu tăng khá để vừa tranh thủ khi giá nhập khẩu giảm, vừa đón cơ hội phục hồi (lượng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tăng 140,6%, lượng chất dẻo tăng 21,1%, lượng cao su tăng 68,7%, lượng giấy tăng 26,6%, lượng bông tăng 40,2%, lượng sợi tăng 33,9%, lượng sắt thép tăng 91,8%, lượng kim loại thường khác tăng 37%...). Lãi suất vay vốn tiếp tục giảm.

Xét mức tăng trong toàn ngành, có thể thấy ngành khai khoáng những thời kỳ trước thường giảm, nếu có tăng cũng rất thấp, thì tháng 1/2015 đã tăng 2 chữ số (17,5%); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất tăng khá cao; ngành sản xuất và phân phối điện (động lực của tăng trưởng công nghiệp) đạt mức tăng cao nhất (20,9%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng khá.

Ở đầu ra, chỉ số tiêu thụ tăng khá ở mức 2 chữ số (11%); chỉ số tồn kho tiếp tục chậm lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao trở lại ở mức 2 chữ số và cao nhất so với con số tương ứng của nhiều tháng trong 4 năm qua (trừ yếu tố giá đã đạt mức tăng 11,9%).

Bên cạnh dấu hiệu phục hồi dần của tổng cầu, của tiêu thụ trong nước thì khu vực xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu của kinh tế trong nước cũng tăng khá. Xét theo nhóm ngành, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 9,7%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 1,95 tỷ USD (giảm 13,8%), suy ra xuất khẩu hàng công nghiệp tăng 15,3% - một tốc độ tăng khá cao. Xét theo khu vực, khu vực kinh tế trong nước đã tăng 12,9% - vừa tăng cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI (8,2%), vừa cao nhất so với nhiều tháng trước đó.

Kết quả của tháng khởi đầu dù sao cũng chỉ là tín hiệu. Vì vậy, ngoài việc khắc phục những hạn chế bất cập, công nghiệp Việt Nam nói riêng vẫn đứng trước những thách thức trong điều kiện mở cửa, hội nhập ngày một sâu, rộng, với trình độ cao hơn. Điều này đòi hỏi DN công nghiệp nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng khi sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã cận kề.