Cơ hội vàng phục hồi kinh tế: Không nói suông
11/05/2020 10:55
Đã có quá nhiều lời than vãn về sự khó khăn. Đã có rất nhiều đề xuất về các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đã có không ít lời khẳng định về việc Việt Nam đang có cơ hội vàng để phục hồi kinh tế sau Covid-19…
Nhưng nếu tất cả chỉ dừng lại như thế, thì cơ hội sẽ sớm trôi qua. Bởi thế, đúng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp rằng, có một câu hỏi lớn đang đặt ra cho tất cả chúng ta. Đó là cần phải làm gì, hành động gì để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ?
Thậm chí, không phải là chỉ đặt ra câu hỏi, mà phải là tìm ra câu trả lời ngay và phải hành động. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi phát biểu khai mạc “Hội nghị Diên Hồng” để bàn về phục hồi kinh tế cũng đã nói: Hội nghị lần này bắt buộc bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, phải thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tăng tốc phát triển.
Một nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công đã được bàn thảo từ gần 1 tháng trước (ngày 10/4/2020, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương), nhưng cho đến nay chưa thể ban hành, bởi vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận từ một số bộ, ngành.
Nếu cần “một kết quả cụ thể”, thì có nghĩa, nghị quyết này cần sớm được hoàn thiện và ban hành. Sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp, đã có thêm nhiều kiến nghị, nhiều đề xuất, cần bổ sung các kiến nghị này để có một nghị quyết toàn diện hơn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, giúp Việt Nam tận dụng thời cơ vàng để bứt phá, phát triển.
Không phải ngẫu nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã nhắc đi nhắc lại rằng, bây giờ không phải là lúc nghĩ đến “quyền anh, quyền tôi”, mà là phải vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu người dân Việt Nam. Bộ, ngành phải xắn tay vào cuộc. Địa phương phải tháo gỡ trực tiếp khó khăn do doanh nghiệp. Tất cả trên tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Và cũng đã đến lúc phải coi việc chống virus trì trệ như chống dịch. Virus trì trệ không nằm ở bộ ngành khác, địa phương khác, mà nằm ngay chính trong bản thân chúng ta, địa phương chúng ta, doanh nghiệp chúng ta… Bởi thế, chỉ bộ ngành, địa phương hành động thôi chưa đủ, bản thân doanh nghiệp cũng phải hành động. 4 tháng chống chọi với đại dịch Covid-19, với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp đã chứng minh được sự bền bỉ, sức sáng tạo của mình.
Nhưng khi đại dịch qua đi, thì doanh nghiệp không thể chỉ “cầm cự”, mà phải bứt phá để vượt lên, cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều dư địa trong hoạt động đầu tư, do đó cần phải trở thành lực lượng tiên phong, đảm đương vai trò dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực, tạo sự lan tỏa và lôi kéo các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển.
Doanh nghiệp tư nhân phải tiếp tục phát huy tính bền bỉ, dẻo dai, sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, để duy trì sản xuất - kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động; đồng thời, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
Với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, vai trò đầu tầu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn là rất quan trọng, phải làm sao xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.
Còn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, xây dựng mối quan hệ tương sinh với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước, với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển…
Ngay cả các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng. Đồng thời, đề xuất Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
Nếu tất cả cùng chung tay hành động cùng hệ thống chính trị, thì Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá, vượt lên và tạo lập được vị thế mới trước những thách thức toàn cầu.