Chuyên gia hiến kế để GDP 2015 đạt 6,5%
01/04/2015 20:24
(Chinhphu.vn) – Các chuyên gia của Tổ chuyên gia tư vấn khẳng định GDP 2015 có thể đạt từ 6,3-6,5% trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2015, các vấn đề cần lưu ý và kiến nghị.
Cụ thể, trong bản báo cáo do ông Cao Viết Sinh thay mặt Tổ chuyên gia ký trình Chính phủ nhận định về tình tình kinh tế vĩ mô quý I/2015, Tổ chuyên gia tư vấn cho rằng kinh tế vĩ mô nước ta có bước chuyển biến tích cực, tiếp tục ổn định và tăng trưởng kinh tế duy trì được xu hướng khôi phục, phần lớn các chỉ số trong quý I đều tốt.
Về triển vọng cả năm 2015, các chuyên gia nhận định rằng với những kết quả sản xuất kinh doanh tốt ngay những tháng đầu năm, cũng như các giải pháp chỉ đạo điều hành kịp thời của Chính phủ trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I trên 6% thì tốc độ tăng GDP năm 2015 sẽ có khả năng vượt kế hoạch đạt từ 6,3-6,5%.
Trong các tháng tiếp theo năm 2015, cần phát huy mạnh mẽ một số yếu tố thuận lợi như chỉ số phát triển công nghiệp đạt ở mức cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện; tổng mức bán lẻ tăng ở mức cao; thu ngân sách ở mức cao; lạm phát thấp…
Đây có thể là cơ hội để tiến hành điều chỉnh một số chính sách như: Giảm nhẹ lãi suất, xem xét tỷ giá theo kế hoạch và điều chỉnh cán cân tài chính tiền tệ vĩ mô khác.
Với tình hình như hiện nay, năm 2015, các mục tiêu KTXH có thể thực hiện ở mức cao Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Vấn đề đặt ra là trong năm 2015 cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt để tạo sức bật mạnh hơn cho nền kinh tế, mở thêm nhiều cơ hội để hội nhập sâu, phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những thuận lợi của đầu năm 2015 khó có thể duy trì được ở mức cao trong cả năm. Một số khó khăn được nhận định vẫn là mối lo cho một số năm trước mắt như: Tổng cầu của nền kinh tế chưa phục hồi bền vững, tính bất ổn của nền kinh tế còn tiềm tàng, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước; tốc độ xuất khẩu tăng chậm lại, nhập khẩu đang có xu hướng tăng (đặc biệt là nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh, ví dụ lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc dưới 9 chỗ đạt 10.000 chiếc, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ) chỉ số phát triển công nghiệp tuy tăng khá nhưng chủ yếu do tác động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; cân đối ngân sách tiếp tục căng thẳng…
Các chuyên gia nhận định cần có một sự thay đổi trong định hướng điều hành tỷ giá, xét trong tầm trung hạn và trong điều kiện hội nhập sâu.
Trong bối cảnh lạm phát trong ngắn đến trung hạn được dự báo sẽ ở mức thấp trên thế giới và Việt Nam (một số nước có khả năng rơi vào giảm phát), chính sách tỷ giá cần chuyển trọng tâm từ hỗ trợ kiểm soát lạm phát ngắn hạn sang tầm nhìn trung hạn, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu cũng như cạnh tranh với nhập khẩu và sản xuất trong nước. Do vậy các chuyên gia đều nhận định trước mắt cần tiếp tục thực hiện cam kết tỷ giá như NHNN đã tuyên bố. Tuy nhiên, trong trung hạn cần có đánh giá sát hơn để có chính sách tỷ giá, cơ cấu dự trữ ngoại tệ mềm dẻo, hợp lý để có thể điều chỉnh phù hợp với thị trường và tác động tốt đối với doanh nghiệp và người dân.
Các chuyên gia cho rằng, 2015 là năm cuối cùng thực hiện tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên, theo tinh thần Nghị quyết TƯ 3 (Khóa XI) nên cần đánh giá kết quả so với mục tiêu đề ra. Điều này không chỉ thuần túy kinh tế mà có liên quan đến thể chế, vì phần gốc của vấn đề có liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước (thu chi nói chung và phân cấp ngân sách), Luật Tổ chức Chính phủ (liên quan vai trò của Chính phủ không chỉ là cơ quan chấp hành mà còn là cơ quan hành chính cao nhất), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám sát của Quốc hội.
Ngoài ra, cần lựa chọn một số vấn đề làm sớm và bước đi một vài năm trước mắt, nhất là vấn đề đổi mới công nghệ trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến; vấn đề liên kết chuỗi giá trị toàn cầu thành mạng từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp cần là khâu cầu nối mạnh và hưởng thụ một tỷ lệ hợp lý khi liên kết giữa các đơn vị sản xuất và thị trường.
Một mặt, đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết 19 mới của Chính phủ trong tháng 3/2015, nhưng các chuyên gia cho rằng về nhận thức, triển khai thực hiện trên thực tế so với cam kết của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là mức độ nhận thức về Nghị quyết 19 của một số lãnh đạo bộ, ngành chưa sâu. Các chuyên gia kiến nghị cần có những điều tra, đánh giá độc lập, làm rõ các tác động tích cực cũng như những rào cản trong thực hiện chính sách để điều chỉnh.
Các chuyên gia cũng tiếp tục nhìn nhận tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các vùng biên giới, trên biển, cảng biển, cảng hàng không thời gian qua vẫn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Việt Nam, đời sống, sức khỏe của nhân dân, cũng như kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề chất lượng hàng sẽ phức tạp hơn khi thuế suất giảm về 0% với hầu hết hàng hóa của các nước tham gia FTA với Việt Nam.
Năm 2015 áp lực hội nhập sẽ rất mạnh mẽ. Chính phủ cần giao cho các bộ có liên quan chuẩn bị các hướng dẫn cụ thể, sát hợp với từng ngành, lĩnh vực, phù hợp với các cam kết quốc tế (như với ASEAN là tự do di chuyển hàng hóa, đầu tư, lao động có tay nghề…) để các doanh nghiệp và người dân nhận thức được các khó khăn và thuận lợi mới một cách cụ thể và hành động được chủ động hơn. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích sâu rộng và chính xác./.