"Chưa bao giờ giao thông Thủ đô được đầu tư lớn như hiện nay"

13/10/2014 18:58

(Chinhphu.vn) – Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và giảm thiểu TNGT, giảm ô nhiễm môi trường cho các đô thị nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng cần tập trung vào phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Cùng với sự phát triển của đất nước, bộ mặt giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội - đầu tàu kinh tế của cả nước - đã có sự chuyển mình rõ rệt cả về chất và về lượng. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014), phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Đinh La Thăng về những dự định sắp tới của Bộ GTVT trong việc đồng hành cùng Thủ đô phát triển giao thông đô thị.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về bộ mặt đô thị của Hà Nội thay đổi kể từ ngày Thủ đô giải phóng đến nay (10/10/1954-10/10/2014), đặc biệt là về cơ sở hạ tầng giao thông đô thị?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Có thể nói rằng, chưa bao giờ, giao thông Thủ đô lại được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như các cấp quan tâm, chỉ đạo sâu sát, đầu tư lớn như hiện nay. Với tư cách là công dân của Thành phố và cũng là người đứng đầu ngành GTVT tôi cảm nhận được sự chuyển mình rõ rệt của Hà Nội trong 10 năm qua. Đồng thời, tôi cũng nhận thấy vai trò, trách nhiệm của ngành GTVT trong việc cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Thành phố để xây dựng được một hệ thống kết cấu giao thông đồng bộ, hiện đại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và cả nước.

Trong những năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp với TP. Hà Nội trong việc xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch như: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch đường Vành đai 4, 5 vùng Thủ đô, Kế hoạch phát triển GTVT Thủ đô giai đoạn 2011-2015. Đến nay, các quy hoạch đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để Hà Nội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Để thực hiện những công việc trên, Bộ GTVT đã ưu tiên về nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông Thành phố. Ngoài việc trực tiếp đầu tư phát triển một số công trình lớn về hạ tầng giao thông như cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân-Nội Bài, đại lộ Thăng Long, nhà ga T2 Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh… Bộ còn tập trung đầu tư các dự án vành đai Thành phố như: Vành đai 3, cầu Thanh Trì và hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại của Thủ đô.

Bộ GTVT cũng chủ động vận động, thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc đoạn qua Hà Nội: Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, thời gian tới sẽ kết nối tới Vinh; cao tốc Hà Nội-Lào Cai, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (trên hành lang Côn Minh-Hải Phòng); cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn và các tuyến quốc lộ hướng tâm khác với quy mô 4 làn xe như Quốc lộ 32, Quốc lộ 2, Quốc lộ 6… Hệ thống giao thông đối ngoại này đã và đang từng bước được đầu tư theo quy hoạch, bảo đảm sự kết nối hạ tầng đường bộ giữa Thủ đô với các địa phương trong cả nước.

Bộ GTVT cũng trực tiếp đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị như các tuyến Yên Viên-Ngọc Hồi (tuyến số 1), Hà Nội-Cát Linh (tuyến 2A). Một số công trình đường thủy nội địa cũng được quan tâm thực hiện để phát huy hiệu quả của vận tải thủy nội địa khu vực Hà Nội nói riêng và Đồng bằng sông Hồng nói chung.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã kết nối thuận lợi đến các vùng, miền trên cả nước và các quốc gia trên thế giới. Về lĩnh vực hàng không, Sân bay quốc tế Nội Bài đã có tới trên 250 chuyến bay đi và đến mỗi ngày (với trên 120 chuyến bay quốc tế), năng lực vận tải hàng không sẽ còn tăng hơn sau khi Dự án Nhà ga T2 Nội Bài được đưa vào khai thác vào đầu năm 2015.

Về vận tải đường bộ, Hà Nội đã có đến trên 500 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh để kết nối với 62 tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua 10 bến xe liên tỉnh đã được công bố hoạt động. Bên cạnh đó, để tạo sự đi lại thuận tiện của người dân giữa các nước trong khu vực, từ Hà Nội đã có nhiều tuyến liên vận quốc tế phục vụ hành khách đến Trung Quốc, Lào, kết nối TP. Hồ Chí Minh sang Campuchia…

Về việc khắc phục ùn tắc giao thông, Thủ đô đã thực hiện những giải pháp mang tính đột phá như: Hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; xây dựng cầu vượt; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; hợp lý hoá lộ trình tuyến và đổi mới phương tiện đoàn xe buýt; kiểm soát số lượng và khu vực hoạt động của xe taxi; đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật của người tham gia giao thông. Tính đến cuối năm 2013, trên địa bàn Hà Nội còn 55 điểm đen ùn tắc giao thông, giảm 69 điểm so với năm 2012. Thời gian ùn tắc đã giảm đáng kể, không còn những điểm ùn tắc trên 30 phút như trước đây.

Các dự án đầu tư xây dựng các cầu vượt tại nút giao thông trọng yếu để hạn chế ùn tắc, cơ bản đã hoàn thành đưa vào khai thác như nút cầu Chui, nút Nam Hồng-Bắc Thăng Long Nội Bài, Nguyễn Chí Thanh-Láng; Lê Văn Lương-Láng, Láng Hạ-Thái Hà, Thái Hà-Sơn Tây, Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân; Nguyễn Chí Thanh-Kim Mã. Bên cạnh đó, tình hình tai nạn giao thông tại TP. Hà Nội đã giảm trên cả 3 tiêu chí.

Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng nhiều loại hình giao thông công cộng như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị. Theo Bộ trưởng để khai thác hiệu quả của các loại hình này, Hà Nội sẽ phải làm gì ngay từ bây giờ?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng trong đô thị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung. Giải quyết được vấn đề này, Hà Nội sẽ khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông và giảm thiểu TNGT, giảm ô nhiễm môi trường.

Có thể thấy, Hà Nội đã và đang làm tốt công tác phát triển vận tải hành khách công cộng, mạng lưới tuyến buýt luôn được phát triển và đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Từ năm 2010-2013, số lượng tuyến buýt tăng 17% (từ 76 tuyến lên 89 tuyến); sản lượng tăng trưởng liên tục (trung bình 4,8%/năm trong 3 năm gần đây) đáp ứng 12-13% nhu cầu đi lại. Dự kiến năm 2014, sản lượng vận chuyển xe buýt sẽ đạt khoảng 510 triệu lượt hành khách.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của các loại hình vận tải này, ngay từ bây giờ, theo tôi, Hà Nội cần phải chú trọng đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị, phân bổ dân cư và quy hoạch hệ thống công trình công cộng đô thị của Thủ đô.

Trong thời gian tới, khi hệ thống đường sắt đô thị hoàn thành sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn, có chức năng gắn kết với các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, trường học nên cần tập trung nguồn lực để đạt đúng tiến độ đã hoạch định.

Cùng với việc phát triển hệ thống vận tải công cộng, chúng ta cần tiến tới loại dần các phương tiện giao thông cũ bằng việc quản lý chặt chất lượng của các loại phương tiện giao thông, khuyến khích sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm và hạn chế sự gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đồng hành cùng Thủ đô như thế nào để giao thông Hà Nội không còn là nỗi ám ảnh của người dân cũng như du khách đến du lịch?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội phải đáp ứng được nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố từ nay đến năm 2030, tương xứng với tầm vóc của Thủ đô một nước văn minh, phát triển trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi sẽ đồng hành cùng Thủ đô để phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại hiện nay và đón trước được những dự báo sẽ tác động xấu đến giao thông đô thị Hà Nội trong thời gian tới (như việc gia tăng phương tiện cá nhân là xe ô tô).

Để đạt được điều này, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội triển khai các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng phục vụ kết nối các phương thức vận tải; quy hoạch điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng, bến xe tại các đô thị vệ tinh, thị trấn; xây dựng hệ thống bãi đỗ xe ngầm, cao tầng tại khu vực nội thành.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng phối hợp với TP. Hà Nội trong việc kết nối các phương thức vận tải, nhất là đối với vận tải hành khách trong đô thị và vận tải hàng hóa đến vành đai đô thị.

Cụ thể là hoàn chỉnh kết nối giữa Sân bay Nội Bài với trung tâm Thành phố, hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhà ga T2 để đảm bảo sân bay Nội Bài có tổng công suất đạt 20-25 triệu hành khách/năm.

Chúng tôi đang tái cơ cấu ngành Đường sắt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố, trong đó đến năm 2015 hoàn thành tuyến Cát Linh-Hà Đông, đến 2017 hoàn thành giai đoạn 1 tuyến Yên Viên-Ngọc Hồi nhằm góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.

Bộ cũng xác định xe buýt là loại hình chủ lực của TP. Hà Nội cho đến năm 2020 nên sẽ tăng cường chất lượng cho dịch vụ vận tải này và mở rộng phục vụ đến các đô thị vệ tinh của Thành phố.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ chú trọng phát triển đường thủy nội địa trên địa bàn Thành phố, kết nối cảng thủy nội địa để tăng cường kết nối với các cảng cạn của Hà Nội với các khu vực lân cận bằng việc cải tạo các tuyến đường sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Đuống); nâng cấp, xây dựng các cảng, bến cảng./.