Chờ đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
29/10/2014 15:26
Là một trong 3 trụ cột trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện diễn ra chậm, nên kết quả đạt được còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, cần có giải pháp đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thời gian tới.
Tình trạng tái cơ cấu DNNN đang diễn ra chậm, theo TS. Nguyễn Văn Trình, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP. HCM là do cơ chế, chính sách chưa ban hành kịp thời; DNNN chưa tập trung triển khai cổ phần hóa (CPH); năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý tại các DN còn yếu. Ngoài ra, do thiếu nguồn lực tài chính, khâu sắp xếp lao động gặp nhiều vướng mắc...
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, muốn tạo đột phá trong tái cơ cấu DNNN, một trong những biện pháp cần quyết liệt triển khai là áp đặt kỷ luật thị trường đối với hoạt động của DNNN; loại bỏ mọi sự phân biệt đối xử giữa các loại hình DN, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Gắn liền với giải pháp này là phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu tại DN. Tiến tới thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước tách khỏi cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Một giải pháp quan trọng khác, theo ông Tuyển là thúc đẩy CPH DNNN thực chất hơn. Theo đó, bán hết phần vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Với những DNNN mà Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối, cần tập trung đổi mới mạnh mẽ quản trị, coi đây là giải pháp chủ yếu của tái cơ cấu DNNN. Trong đó, trọng tâm là thực hiện minh bạch hóa hoạt động của DNNN.
Tán thành quan điểm cần áp dụng triệt để các nguyên tắc, kỷ luật thị trường trong hoạt động của DNNN, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất chi tiết hơn các giải pháp để hiện thực hóa nguyên tắc này trong quá trình thúc đẩy tái cơ cấu DNNN. Đó là hoàn thiện các cơ chế để buộc DNNN hạch toán đầy đủ các chi phí vốn, buộc DN và người quản lý DN phải chịu đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động của mình.
“Các giải pháp tái cơ cấu DNNN cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho DNNN, nhưng phải đi kèm với chế độ tự chịu trách nhiệm. Cũng cần hoàn thiện cơ chế giám sát việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DNNN theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn, tăng trách nhiệm giải trình”, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM nói và cho rằng, quá trình tái cơ cấu cần thúc đẩy các DNNN tập trung đầu tư, kinh doanh chuyên sâu vào các lĩnh vực mà DN có ưu thế cạnh tranh về công nghệ, đội ngũ nhân lực, thị trường, nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tái cơ cấu DNNN cũng cần có giải pháp khắc phục tình trạng nhập nhèm giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích như hiện tại. Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia đề nghị, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế định rõ hơn nhiệm vụ của DNNN. Trong đó, làm rõ đâu là nhiệm vụ kinh tế - xã hội, công ích, đâu là nhiệm vụ kinh doanh. Từ đó, xây dựng hai bộ tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của DNNN. Hiện nay, do chưa phân biệt rõ hai chức năng này, nên trong hạch toán dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực, làm “méo” thị trường, cũng như kết quả hoạt động của DNNN.