Chỉ còn một đầu mối quản lý tập đoàn, tổng công ty
31/05/2016 11:26
Ý tưởng thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang manh nha hình thành sau gần… 2 thập kỷ nghiên cứu. Mặc dù vậy, theo ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng ban phụ trách Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), hiện vẫn còn một số e ngại.
Việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp trải qua khá nhiều thăng trầm, thưa ông?
Ý tưởng thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay cho việc để các bộ, ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đã có từ những năm 1997 - 1998. Từ đó đến nay, các cơ quan đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, nhưng nghiên cứu vẫn chỉ là tài liệu tham khảo.
Chỉ đến khi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng yêu cầu tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, thì việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước mới được đôn đốc triển khai.
Mục tiêu của việc thành lập cơ quan này là nhằm nâng cao hiệu quả của vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; cải cách thể chế kinh tế thị trường; cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư bình đẳng, công bằng; nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên trách và độc lập của bộ máy quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Mục tiêu thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước chuyên trách là rất đúng đắn, nhưng việc quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của cơ quan này liệu có tốt hơn so với hiện nay?
Đây là một trong những băn khoăn, e ngại được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra. Nhưng trước thực tế là khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, không tương xứng với tiềm năng, vị thế, nhiều doanh nghiệp nhà nước thậm chí còn để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, vì vậy yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, giám sát với khu vực kinh tế này.
Qua nghiên cứu nhiều mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước chuyên trách trên thế giới, chúng tôi thấy rằng, việc thành lập một tổ chức với bộ máy quản lý chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hiệu quả hơn rất nhiều so với sử dụng bộ máy hành chính để quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp như hiện nay.
Cụ thể hình hài tổ chức chuyên quản vốn, tài sản nhà nước này thế nào?
Trong ý tưởng, chúng tôi đề nghị thành lập tổ chức với tên gọi Ủy ban Đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để quản lý các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh (hiện do bộ quản lý ngành làm đại diện chủ sở hữu). Các doanh nghiệp khác hiện nay do bộ, ngành làm đại diện chủ sở hữu thì tiếp tục chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu. Doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng sẽ chuyển về UBND cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý. Còn ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý.
Tóm lại, mỗi doanh nghiệp chỉ có một cơ quan làm đại diện chủ sở hữu thay vì quản lý chồng chéo như hiện nay.
Ủy ban này trực thuộc Chính phủ, nhưng không phải là cơ quan quản lý nhà nước, cũng không phải là doanh nghiệp như SCIC, mà hoạt động tương tự như Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
Tức là, bên cạnh SCIC được coi là “siêu tổng công ty”, bây giờ lại thành lập thêm một cơ quan “siêu quyền lực” nữa?
Gọi là “cơ quan siêu quyền lực” là cách nói dân dã. Ủy ban này thực hiện chức năng, quyền hạn theo đúng quy định của pháp luật. Với tư cách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thì Ủy ban có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm ban lãnh đạo doanh nghiệp; quyết định lương thưởng; quyết định kế hoạch sản xuất, kinh doanh; quyết định các vấn đề lớn của doanh nghiệp…
Quyền lực tập trung vào một đầu mối sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, nếu không có cơ chế giám sát Ủy ban này chặt chẽ?
Cả nước hiện có 781 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với tổng vốn chủ sở hữu lên đến 1.233.723 tỷ đồng, trong đó tập đoàn, tổng công ty chiếm gần 81%. Vì thế, cũng có một số ý kiến e ngại việc tập trung các tập đoàn, tổng công ty vào một đầu mối quản lý sẽ phát sinh quyền lực mới, dễ rủi ro. Lo ngại này không phải là không có cơ sở, bởi thực tế cho thấy, bất cứ chỗ nào có quyền lực mà không có sự giám sát chặt chẽ đều dẫn đến lạm quyền.
Để khắc phục, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ Ủy ban này. Chính phủ thống nhất quản lý, giám sát hoạt động của Ủy ban. Hàng năm, Ủy ban phải báo cáo Quốc hội tình hình hoạt động. Quan trọng nhất, phải đưa ra tiêu chí, quy định cụ thể và xếp hạng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Ủy ban. Cụ thể, Nhà nước giao cho Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu bằng này tài sản, sau một năm, doanh thu, lợi nhuận, nộp thuế, thu nhập của người lao động… tăng giảm thế nào, so với các doanh nghiệp khác thì đạt mức độ thế nào, từ đó sẽ xếp hạng mức độ hoàn thành nhiệm vụ.