Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Nhiều Bộ giảm nhiệt tình?
30/12/2019 10:06
Theo VCCI, sau một năm với những chuyển động tích cực có tính cải cách, đột phá thì dường như năm nay, sự “nhiệt tình” của một số Bộ đã giảm đi đáng kể hoặc có thể các Bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh do Bộ mình quản lý hơn nữa.
Nhận định được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh, được công bố sáng 26/12. Loạt báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh là một sáng kiến VCCI nhằm định kỳ hàng năm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong mỗi 6 tháng hoặc một năm.
Theo VCCI, năm 2018, một làn sóng cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được thực hiện ở phần lớn các lĩnh vực mà các bộ quản lý. Ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết 01/NQ-CP Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh và tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết 19 ở giữa năm. Với sự quyết liệt từ cấp trên và sự nỗ lực từ các bộ, hàng ngàn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa, tạo thuận lợi đáng kể cho cộng đồng kinh doanh.
Tuy nhiên, sang năm 2019, tính đến giữa tháng 11, VCCI chỉ nhận được hai đề nghị góp ý của hai Bộ đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghi định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý, đó là Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Đối với các bộ khác, VCCI không có thông tin về hoạt động này.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/6/2019, Bộ này cũng chỉ biết được thông tin có hai Bộ (gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện việc bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 02 trong năm 2019.
Báo cáo bình luận, có thể thấy, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm nay khá “lặng lẽ”. Sau một năm với những chuyển động tích cực có tính cải cách, đột phá thì dường như năm nay, sự “nhiệt tình” của một số Bộ đã giảm đi đáng kể hoặc có thể các Bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh do Bộ mình quản lý hơn nữa.
Tuy vậy, trên cơ sở hai Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh VCCI được hỏi lấy ý kiến cho thấy những nỗ lực rất đáng ghi nhận của hai Bộ Công Thương và Y tế trong hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng vẫn có rất nhiều không gian cho hoạt động cải cách cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Điều kiện quá ngặt nghèo
Nhiều quy định pháp luật trong năm 2019 có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam đã được điểm lại tại báo cáo năm nay.
Nhấn mạnh một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng các chính sách kinh tế là cần thúc đẩy cạnh tranh, tăng cơ hội lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ hoặc mua bán hàng hoá và hạn chế tối đa nguy cơ để nảy sinh độc quyền, song báo cáo chỉ ra rằng thực tiễn xây dựng pháp luật trong năm 2019 thì có nơi, có lúc nguyên tắc này vẫn chưa được nhiều cơ quan soạn thảo chú trọng, thậm chí có quy định còn làm trầm trọng thêm tình trạng độc quyền trên thị trường.
Câu chuyện về dịch vụ thông tin tín dụng là một điển hình. Các tác giả báo cáo cho rằng, đây lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam, nhưng hiện nay mới chỉ có một công ty thông tin tín dụng được thành lập. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là các điều kiện pháp lý để xin phép thành lập công ty thông tin tín dụng là quá khó khăn và cao một cách bất hợp lý tại nghị định 10/2010/NĐ-CP2.
Trong đó, đáng kể nhất là quy định công ty thông tin tín dụng phải được ít nhất 15 ngân hàng cam kết cung cấp thông tin và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng dự thảo nghị định thay thế nghị định về hoạt động thông tin tín dụng, trong đó vẫn duy trì quy định trên. Đây là vấn đề gây tranh luận lớn trong quá trình soạn thảo, báo cáo nhấn mạnh
Nhóm nghiên cứu cho rằng, quy định như vậy sẽ khiến một nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường dịch vụ thông tin tín dụng phải cùng một lúc thuyết phục được 15 ngân hàng hợp tác với mình. Nếu các ngân hàng đó đang hợp tác với công ty thông tin tín dụng khác thì phải phá bỏ hợp đồng hợp tác cũ và chuyển sang một nhà cung cấp dịch vụ mới. Một ngân hàng cũng sẽ chỉ đồng ý phá bỏ hợp đồng với đối tác cũ và chuyển sang công ty mới khi biết chắc rằng có ít nhất 14 ngân hàng khác cũng làm điều tương tự.
Nhiều điểm thiếu thống nhất, chồng chéo
Báo cáo cũng khẳng định, pháp luật kinh doanh còn nhiều điểm thiếu tính thống nhất, chồng chéo khiến cho môi trường kinh doanh ở nước ta trở nên kém thuận lợi.
Mâu thuẫn, chồng chéo nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, tập trung tại các Luật về: đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước…
Cụ thể, đó là các vấn đề: chưa thống nhất về điều kiện cấp phép; không rõ thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau; chưa thống nhất về thẩm quyền cấp phép (hai hoặc nhiều cơ quan khác nhau cùng có thẩm quyền cấp một loại giấy phép); chồng lấn khi thực hiện thủ tục hành chính (nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng thẩm định, xét duyệt về một vấn đề); chưa thống nhất về hồ sơ xin cấp phép (yêu cầu những loại tài liệu mà văn bản pháp luật khác không quy định); chưa thống nhất về thời hạn thực hiện thủ tục hành chính…
Ngoài ra, giữa các văn bản pháp luật về kinh doanh còn có sự thiếu thống nhất khi quy định về các khái niệm; sự chồng lấn khi ban hành các Danh mục ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện…
“Sự chồng chéo này tạo ra rủi ro lớn cho các doanh nghiệp, nhất là liên quan đến các chính sách về hạn chế quyền kinh doanh, chẳng hạn: đối với văn bản pháp luật này thì hàng hóa, dịch vụ này doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh nhưng ở văn bản pháp luật khác lại trở thành hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh. Có nghĩa, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ hợp pháp sẽ thành vi phạm, tùy theo áp dụng văn bản pháp luật nào”, VCCI nhận định.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, tốc độ triển khai, xây dựng các văn bản pháp luật tiếp theo trong năm 2019 không sôi động như năm 2018. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình cải cách các thủ tục cũng như đang tạo ra những bất cập, không thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc nhận định, nếu tháo gỡ được những điểm chồng chéo “mở đường” cho đầu tư, tăng trưởng nền kinh tế sẽ có thể đạt tới 9- 10%. “Do đó, đây là điều cần ưu tiên xử lý sớm so với các công việc khác”, Chủ tịch VCCI nói.
“Năm 2020 với việc đặt trọng tâm vào việc giải quyết các điểm chồng chéo của các hệ thống thống pháp luật có liên quan và việc sửa đổi đồng bộ từ pháp luật, đến nghị định, thông tư chúng ta sẽ lấy lại được đà cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính của các năm 2016, 2018. Từ đó cải thiện được môi trường kinh doanh đầu tư của nước ta trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế cũng như mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp và khơi dậy được nguồn vốn đầu tư còn đang rất lớn ở khu vực tư, công và khu vực FDI” - ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng.