Cần nhìn nhận nợ công đầy đủ và thực tế hơn

Vấn đề nợ công cần phải được nhìn nhận đầy đủ và thực tế hơn, bởi với một quốc gia còn nghèo, nhu cầu đầu tư phát triển lớn thì việc gia tăng nợ công là điều khó tránh.

30/10/2014 16:40

Vấn đề nợ công cần phải được nhìn nhận đầy đủ và thực tế hơn, bởi với một quốc gia còn nghèo, nhu cầu đầu tư phát triển lớn thì việc gia tăng nợ công là điều khó tránh.

Báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong điều kiện kinh tế phát triển không thuận lợi, ngân sách vẫn phải tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương...

Trong khi đó, vay ưu đãi nước ngoài có xu hướng giảm do Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, tỷ trọng vay trong nước tăng, huy động trái phiếu Chính phủ chủ yếu là dưới 5 năm dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong ngắn hạn tăng lên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn.

Hiện, nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2013 ở mức 54,2% GDP, dự kiến đến hết năm 2014, nợ công bằng 60,3% GDP. Năm 2014, dự kiến tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm khoảng 14,2% tổng thu ngân sách (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%), nhưng tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì vào khoảng 26,2%.

Ngưỡng an toàn chỉ là một khía cạnh

Cho biết quan điểm của mình về vấn đề nợ công hiện nay, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Chính sách công-Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, nhiều người thường quan tâm đến chỉ tiêu tổng nợ công so với GDP và xem nó có ở ngưỡng an toàn hay không. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh. Trên thực tế, gánh nặng nợ được đo bằng số nợ phải trả hằng năm mà ở đó lãi suất là nhân tố quyết định.

Do hiện tại các nguồn vay của Việt Nam chủ yếu là ODA nên lãi suất bình quân chưa đến 3% và tương đương với lãi suất mà Chính phủ Hoa Kỳ đi vay. Kết quả là gánh nặng nợ với số dư khoảng 60% GDP (theo con số công bố chính thức) là nằm trong khả năng chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các khoản vay ODA sử dụng không hiệu quả và nguồn vay ưu đãi sẽ ít dần mà thay vào đó là các khoản vay thương mại thì nguy cơ gánh nặng nợ công tăng cao rất dễ xảy ra.

PGS.TS. Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết ông không ngạc nhiên với con số này và cũng không ngạc nhiên với ý kiến khá bức xúc của nhiều người trong những ngày gần đây về thông tin nợ công của quốc gia. Ông Nguyễn Chí Hải cho rằng, vấn đề nợ công cần phải được nhìn nhận đầy đủ và thực tế hơn, bởi với một quốc gia còn nghèo, nhu cầu đầu tư phát triển lớn thì việc gia tăng nhanh chóng nợ công là điều khó tránh.

Ở những nước phát triển, do sử dụng nợ rất hiệu quả nên con số nợ công có thể lên đến hơn 100% GDP. Tuy nhiên, Việt Nam là một nước nghèo, năng lực thẩm định, sử dụng và quản lý nợ còn hạn chế thì cần thận trọng hơn trong việc vay nợ.

Xử lý nợ của DNNN: Có nên dùng ngân sách?

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, dư luận cho rằng nợ công không bao gồm nợ của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), do vậy không nên lấy tiền từ ngân sách để xử lý nợ xấu của các DNNN. Tuy nhiên, với những khoản nợ mà Chính phủ bảo lãnh, dùng nguồn từ ngân sách để thanh toán thì có thể được. Đối với những khoản nợ không có bảo lãnh của Chính phủ thì nên lấy từ những nguồn khác.

Còn theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Ngân hàng TPHCM), “lập luận nặng nhất làm Chính phủ chùn tay là không được lấy tiền của dân”- thoạt nghe thấy đúng, nhưng nếu không “lấy tiền của dân” thì vay dân có được không, vì xử lý xong lại trả chứ có lấy đâu. Nếu không vay của dân thì vay nước ngoài, bởi vấn đề là nếu không giải quyết nhanh thì sẽ bị tắc. Dùng tiền ngân sách (tiền của dân) nhưng miễn sao hoàn lại được. Ở Mỹ, họ sẵn sàng bỏ ngân sách ra và mua lại luôn doanh nghiệp hay ngân hàng đang gặp khó khăn, tham gia HĐQT, xử lý xong hết vướng mắc rồi lại bán, thu tiền về ngân sách. Thậm chí, nếu cần có thể bán đi một số DNNN để lấy tiền cứu những DNNN cần phải nắm giữ. Thực ra, cách nào thì cuối cùng vẫn là tiền ngân sách và vẫn phải hoàn lại ngân sách.

Nếu chi để xử lý nợ xấu cho các DNNN mà đẩy hoạt động của các doanh nghiệp này hiệu quả hơn thì dù dùng ngân sách, phát hành trái phiếu hay vay nước ngoài đều hợp lý. Đồng thời, cần phải hứa với dân rất rõ ràng, sẽ không chi lần thứ hai và thực hiện ngay, thực hiện quyết liệt việc tái cấu trúc hệ thống.

Cùng vấn đề trên, TS. Huỳnh Thế Du có quan điểm chỉ nên áp dụng đối với khoản nợ của những DNNN mà Nhà nước muốn bán một phần hoặc thoái vốn hẳn. Việc này nhằm bán được giá hơn hoặc gây tổn thất cho nền kinh tế ít hơn, giống như việc sửa hay tân trang lại nhà trước khi bán để được giá cao hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên làm việc này đối với các DN mà Nhà nước muốn tiếp tục nắm giữ toàn bộ hoặc có cổ phần chi phối. Nếu làm vậy sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại. Những người điều hành doanh nghiệp tiếp tục sử dụng đồng vốn bất cẩn và lãng phí, họ nghĩ các tổ chức tài chính lại tiếp tục cho vay mà không quan tâm nhiều lắm đến việc sử dụng vốn, thậm chí họ cho rằng "kiểu gì Nhà nước cũng... cứu”.

Giải pháp cho vấn đề này, theo TS. Huỳnh Thế Du, cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các DNNN, trong đó quan trọng là cổ phần hóa. Chính phủ đã đặt trọng tâm vào việc này. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi. Những vấn đề cơ bản của mô hình DNNN vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Còn đối với các DNNN mà Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ thì việc cần làm trước tiên là giải quyết cơ chế hay mô hình quản trị gắn với ràng buộc ngân sách cứng và trách nhiệm giải trình trước khi tính đến các bước tiếp theo.