Cán bộ không đạt yêu cầu, chúng ta phải trả giá...

Đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn tại Hà Nội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh: “Đoàn phải có nguồn cán bộ để tham gia tốt nhiệm vụ. Nếu cán bộ không đạt yêu cầu chúng ta phải trả giá...”

08/05/2020 22:49

Đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn tại Hà Nội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh: “Đoàn phải có nguồn cán bộ để tham gia tốt nhiệm vụ. Nếu cán bộ không đạt yêu cầu chúng ta phải trả giá...”

Nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ Ðoàn

Ngày 7/5, đoàn công tác T.Ư Đoàn do Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong dẫn đầu đã khảo sát đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi làm việc, anh Lê Quốc Phong nêu rõ việc quy hoạch cán bộ rất quan trọng; việc rà soát quy hoạch cần phải làm định kỳ, thường xuyên. “Hằng năm phải tiến hành rà soát quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch này. Chúng ta phải chủ động, nếu không đưa vào quy hoạch, đến lúc cần bổ nhiệm, bố trí không trong quy hoạch là một bước dừng, phải tính toán”, anh Phong nói.

Anh Lê Quốc Phong cho rằng, tốc độ luân chuyển cán bộ ở địa phương đôi khi nhanh hơn các cấp khác, do đó cần có quy trình bổ nhiệm hợp lý. Nguồn cán bộ cũng phải xem xét các tiêu chuẩn, các điều kiện liên quan để làm sao đặt vào vị trí cho tốt. Đưa vào quy hoạch thì phải quan tâm, phải có lộ trình cho cán bộ quy hoạch để có đủ điều kiện bố trí sử dụng. Nếu chỉ quy hoạch mà không quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hoá chức danh, trang bị những yêu cầu cần thiết kể cả về chuyên môn nghiệp vụ thì đến lúc sử dụng lại không có.

Nguồn cán bộ Đoàn không phải là duy nhất vì còn nhiều nguồn khác, vì vậy phải quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Đoàn. “Nếu Đảng cần các lĩnh vực có chuyên môn thì chúng ta có đáp ứng được hay không? Chúng ta phải chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ Đoàn. Đoàn cần kiến nghị đề nghị cấp ủy tạo điều kiện để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”, anh Phong nói.

Anh Phong nhấn mạnh: “Đoàn phải có nguồn cán bộ để tham gia tốt nhiệm vụ. Nếu cán bộ không đạt yêu cầu chúng ta phải trả giá bằng thời gian. Bây giờ không có tiêu chuẩn mềm nên phải đào tạo bồi dưỡng để đủ điều kiện. Cán bộ Đoàn phải xem việc tham gia đào tạo là nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm cấp bộ Đoàn là đổi mới nội dung phương thức sao cho phù hợp, đạt được yêu cầu chung, phù hợp với cán bộ của mình”.

Trẻ hóa đội ngũ cán bộ

Tại buổi làm việc, anh Nguyễn Ngọc Việt - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, Đoàn Thanh niên thành phố hiện có 110 cơ sở Đoàn trực thuộc; có 1.075 cán bộ Đoàn chuyên trách. Tính đến nay đã có 1 cán bộ Đoàn tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2015 - 2020; 1 cán bộ Đoàn tham gia HĐND cấp thành phố; 17/30 đồng chí Bí thư quận, huyện đoàn tham gia cấp ủy; 8/30 Bí thư quận, huyện đoàn tham gia HĐND cấp huyện.

Cũng theo anh Việt, trong 10 năm thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn, Thành Đoàn đã thu được nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ Đoàn được nâng cao về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công việc. Công tác cán bộ Đoàn từ cấp thành phố đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Quy chế cán bộ Đoàn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác Đoàn trong tình hình mới. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc luân chuyển, bố trí cán bộ Đoàn cấp cơ sở khi đến tuổi theo quy định chưa kịp thời. Hiện cấp huyện còn 8 Bí thư, 8 Phó Bí thư đoàn quá tuổi; 130 Bí thư, 14 Phó Bí thư đoàn cấp xã quá tuổi theo quy chế.

Bí thư Thành Đoàn Hà Nội kiến nghị T.Ư Đoàn tiếp tục thực hiện quy chế và có thể sửa đổi bổ sung về công tác tuyển dụng cán bộ Đoàn để đảm bảo công tác luân chuyển và sự phát triển cán bộ từ cơ sở. Thành ủy Hà Nội nghiên cứu chế độ chính sách cán bộ Đoàn ở cấp chi Đoàn, Đoàn cơ sở; mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành riêng cho cán bộ Đoàn; tăng phụ cấp từ nguồn ngân sách địa phương đối với chức danh bí thư đoàn xã, phường, thị trấn...