Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra bốn giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu năm 2018
29/12/2017 15:37
Sáng nay (29/12), tiếp tục chương trình hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị quan trọng góp phần đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra cho kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu là nội dung quan trọng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trấn Tuấn Anh đặt ra.
Nêu bật những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2017 với việc lần đầu tiên chúng ta đạt 13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có những chỉ tiêu vượt rất cao so với kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh chỉ tiêu xuất, nhập khẩu hàng hoá với con số 400 tỷ USD tổng kim ngạch đạt được trong năm.
“Xuất, nhập khẩu đạt được tốc độ tăng trưởng 21,1%, gấp 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất là việc chúng ta đã chủ động bám sát diễn biến, bối cảnh thị trường trong và ngoài nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành linh hoạt, từ chính sách đến công tác tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, từng lĩnh vực và doanh nghiệp” - Bộ trưởng nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để có được kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2017 phải kể đến công tác đối ngoại, hội nhập với sự chủ động, kiên quyết của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Đưa dẫn chứng, Bộ trưởng cho biết, trong năm qua, xu hướng bảo hộ mậu dịch của các đối tác quốc tế có chiều hướng gia tăng, đã gây ra nhiều rào cản đối với doanh nghiệp trong nước. Trước tình hình đó, qua công tác đối ngoại cấp cao, Chính phủ đã từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại tại thị trường quốc tế để thúc đẩy xuất nhập khẩu của các ngành hàng, doanh nghiệp trong nước.
“Bên cạnh đó, với rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, như: Gỗ, da giày, dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo… không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn mà còn tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp” - Bộ trưởng khẳng định.
Cùng với đó, việc khai thác thị trường xuất, nhập khẩu mới cũng được người đứng đầu ngành Công Thương nêu ra như một trong những giải pháp rất hữu hiệu trong năm 2017, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất, nhập khẩu của cả nước. Theo đó, bên cạnh việc duy trì ổn định hoạt động ngoại thương với những thị trường truyền thống, chúng ta đã tận dụng tối đa cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương để mở nhiều thị trường mới cho hàng hoá Việt Nam, nhất là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh mà kết quả cụ thể là đã tăng thêm 3 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD, đưa tổng số thị trường có kim ngạch từ 1 tỷ USD từ 26 lên 29 trong năm qua.
Để phát huy kết quả xuất, nhập khẩu đã đạt được, trong năm 2018, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước hết, từ Trung ương đến địa phương, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp Nhà nước, trong đó, phải lấy tiêu chí về năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệu quả trong đầu tư làm thước đo cuối cùng.
Thêm một giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra là đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển thị trường trong nước, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
“Lực lượng Quản lý thị trường với mô hình tổ chức, quản lý mới theo chiều dọc sẽ cùng với các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại” - Bộ trưởng nói và đưa ra giải pháp thứ tư, là đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế bằng những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để tạo dư địa mới cho hàng hoá Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
“Trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành thông qua các chương trình hành động cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận.