Bộ Công Thương chạy nước rút trước bài toán khó

Hết nửa năm 2016, ngành công thương mới chỉ hoàn thành 46,2% kế hoạch xuất khẩu đã đề ra, đạt hơn 82 tỷ USD và tăng chưa đầy 6%.

20/07/2016 08:23

Hết nửa năm 2016, ngành công thương mới chỉ hoàn thành 46,2% kế hoạch xuất khẩu đã đề ra, đạt hơn 82 tỷ USD và tăng chưa đầy 6%.

Với mức tăng này trong tình hình thị trường biến động như hiện nay, dễ thấy việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tăng 10% so với năm 2015 mà Quốc hội giao là tương đối khó khăn. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, đây là mức tăng trưởng thấp, kể cả xem xét trong tương quan với mức GDP của năm nay.

Lý giải về sự tăng trưởng ít ỏi này, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp chủ yếu do giá xuất khẩu giảm 6,3%, bao gồm cả giảm giá dầu thô và giá xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến.

Mặc dù nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu tăng 6%, là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ (cùng kỳ năm ngoái giảm 8,9%) nhưng giá xuất khẩu giảm bởi tổng cầu nhập khẩu nhóm hàng này trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp. Trong khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu khác đang gia tăng và cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam cả về lượng và giá… đã ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến là nhóm hàng có độ nhạy cảm cao với tổng cầu và khi tổng cầu suy giảm sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn nhóm nông sản. Trong 6 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến dù tăng 8,2% nhưng là mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015 (tăng tới 18%). Đây là nhóm hàng chủ lực, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song với mức tăng trưởng không cao, nhóm hàng này đã không thể kéo kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước tăng lên.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nhiên liệu khoáng sản giảm tới 38,7% đã tác động không nhỏ tới bức tranh xuất khẩu của cả nước.

Tăng kết nối, gỡ rào cản

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, hiện nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chủ lực vẫn ở mức thấp, cùng với đó là sự sụt giảm giá của hàng hóa trên thị trường thế giới. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã đến ngưỡng sản xuất, nhóm công nghiệp chưa xuất hiện năng lực sản xuất mới có quy mô lớn. Do vậy, mục tiêu xuất khẩu tăng 10% so với năm 2015 là một nhiệm vụ khó khăn.

Về từng ngành hàng cụ thể, ông Trần Thanh Hải cho biết, với thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tập trung xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm đang gặp khó khăn và tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, thương mại. Cụ thể, vận động Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn; xử lý gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật bất hợp lý mà một số nước đang áp dụng đối với thủy sản Việt Nam như lệnh cấm nhập khẩu tôm đông lạnh của Saudi Arabia, gỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu của Trung Quốc, xử lý rào cản về mức giới hạn cho phép đối với kháng sinh Enrofloxacin của Nhật Bản…

Đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu thủy sản như hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã… trong việc nuôi, thả, khai thác thủy, hải sản phục vụ chế biến xuất khẩu.

Với cà phê, Bộ Công Thương cam kết sẽ có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp (DN) sản xuất các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng như cà phê hòa tan… để giảm tỉ trọng xuất thô, nâng cao hiệu quả xuất khẩu; tạo điều kiện tối đa cho các DN trong chương trình tái canh.

Mặt hàng cao su cũng được Bộ Công Thương đưa ra chính sách hỗ trợ, cụ thể là hỗ trợ các DN chế biến cao su thay đổi cơ cấu sản phẩm, hướng tới các sản phẩm cao su thế giới đang có nhu cầu lớn như cao su khối hạng 20, cao su tờ xông khói RSS 3 thay vì chủ yếu là chủng loại SVR 3L như hiện nay – vốn không có nhu cầu lớn.

Với hồ tiêu, hạt điều và rau quả, ông Trần Thanh Hải cho biết sẽ tập trung quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm và nâng cao uy tín của tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Với ngành lúa gạo, Bộ Công Thương cam kết tiếp tục thực hiện các hoạt động ngoại giao để ổn định xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, ký Bản ghi nhớ giữa 2 nước về thương mại gạo, đề nghị Trung Quốc thực hiện kiểm tra theo phương thức lấy mẫu ngẫu nhiên và sớm công bố chính thức các DN Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu gạo vào Trung Quốc.

Riêng với ngành dệt may, da giày hiện đang được coi là ngành mũi nhọn, đóng góp khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng được Bộ Công Thương “quan tâm” bằng việc tổ chức họp với hiệp hội 2 ngành hàng này để nhận diện và xử lý dứt điểm các vướng mắc về thủ tục xuất nhập khẩu. Hiện, nhiều DN dệt may đang kêu khó khăn khi thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyt theo quy định của Thông tư 37/2015/TT-BCT.

Không chỉ vậy, DN dệt may còn đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng khi một số đơn hàng số lượng lớn, gia công đơn giản, yêu cầu chất lượng cao khách hàng đã chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia…

Phối hợp tạo điều kiện tối đa cho DN

Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương đang kiến nghị Bộ Tài Chính xem xét báo cáo Chính phủ, Quốc hội để áp dụng chính sách thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng chè và cao su sơ chế lưu thông nội địa (như đã áp dụng với mặt hàng cà phê, hồ tiêu, nhân điều...) để tháo gỡ khó khăn cho DN nông sản; điều chỉnh quy định nộp thuế giá trị gia tăng đối với nguyên phụ liệu mua trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất ngành công nghiệp phụ trợ nội địa, phát triển chuỗi cung ứng bằng cách giãn thời gian đóng thuế giá trị gia tăng hoặc miễn thuế giá trị gia tăng.

Đối với ngành cao su, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn tiền thuê đất vườn cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản chưa thu hoạch mủ; cho các dự án trồng cao su được vay vốn ưu đãi tín dụng và lồng ghép với các dự án xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát những khó khăn còn tồn tại về kênh thanh toán tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực như Trung Quốc, Liên bang Nga, một số nước châu Phi... để có các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản và nâng cao cạnh tranh của DN Việt Nam.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đề nghị tăng cường tập huấn cho các hộ nông dân sản xuất, nuôi trồng, chế biến về các mô hình thực hành sản xuất tốt (GlobalGAP, VietGAP…), cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách kiểm soát dư lượng kháng sinh... để thu được sản phẩm sạch, chất lượng cao cho xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính.