Bắt đầu từ mỗi đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng
31/08/2014 16:14
(ĐCSVN) -Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề về Đảng là một trong những vấn đề mà Người quan tâm, trăn trở nhất. Sau 45 năm thực hiện Di chúc, công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự cấp bách trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta đã và đang triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.
“Chìa khóa vạn năng” giải quyết mọi khó khăn
Vấn đề về Đảng là vấn đề đầu tiên được đề cập trong Di chúc. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò tất cả cán bộ, đảng viên phải đặc biệt chú ý công tác xây dựng Đảng, nhất là đoàn kết trong Đảng. Người đã rất trăn trở khi nói về vấn đề này bởi vai trò và tầm quan trọng của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người căn dặn “Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Để Đảng ta thực sự vững mạnh, trong sạch, xứng đáng là đội tiên phong của dân tộc, điều cốt yếu là phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Đó là cơ sở giúp cho Đảng nâng cao sức mạnh, uy tín, trí tuệ lãnh đạo nhân dân, là hạt nhân, là cơ sở để thực hiện đoàn kết nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi vì đó là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ và dân làm chủ. Đảng lãnh đạo nhân dân để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình”.
45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với các nhà chính trị, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, lời căn dặn đầu tiên trong Di chúc của Bác về việc giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, về đạo đức cách mạng là một điều thiêng liêng, một vấn đề sống còn và là nhân tố quyết định để Đảng ta giữ vững vai trò của Đảng cầm quyền.
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, trong Di chúc, Bác căn dặn về đoàn kết, về thực hành dân chủ, gắn liền với tự phê bình trong Đảng. Đây là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến sức chiến đấu, sự sống còn của toàn Đảng. Toàn bản Di chúc 1.000 từ được cân nhắc kỹ từng câu, từng chữ, vậy nhưng chỉ trong hơn 3 dòng ngắn gọn, cô đọng để nói về Đảng cầm quyền, Bác phải dùng tới 4 chữ thậtđể nhấn mạnh: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Điều đó đủ hiểu Bác quan tâm như thế nào xung quanh vấn đề đạo đức trong Đảng.
Nghiên cứu Di chúc của Bác về đoàn kết trong Đảng, PGS.TS Lại Quốc Khánh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng “Di chúc luôn có giá trị to lớn đối với sự đoàn kết trong Đảng thời kỳ đổi mới. Đây là vấn đề quan trọng vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đoàn kết nhân dân, dân tộc, quốc tế, cội nguồn làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam; là truyền thống quý báu nên các tổ chức Đảng, đảng viên phải giữ đoàn kết trong Đảng như giữ “con ngươi của mắt mình”; không chỉ giữ mà còn phải củng cố, phát triển tình đoàn kết trong Đảng bằng thực hành dân chủ rộng rãi, phê bình, tự phê bình và thương yêu lẫn nhau”.
Tiến sỹ Doãn Thị Chín, Phó Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đoàn kết trong Đảng phải thể hiện ở cả tư tưởng và hành động; trong Đảng không thể có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh.
Tiến sỹ Doãn Thị Chín nhấn mạnh, bằng chính tấm gương sáng của đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm giai cấp và tình đồng chí trong Đảng, coi đó là một nhân tố quan trọng để đoàn kết trong Đảng.
Xây dựng Đảng là vấn đề then chốt
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, 45 năm qua, Đảng ta hết sức coi trọng và luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là điều kiện có tính quyết định, đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Các kết quả trong công tác xây dựng Đảng đã tạo nên “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...của đất nước.
Trong những năm gần đây, thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta đã tích cực triển khai việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong Nghị quyết Trung ương 4, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận, nói rõ công khai cho toàn Đảng, toàn dân biết một sự thật, đó là tình trạng suy thoái cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả một số cán bộ cấp cao, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Đây là nguy cơ tiềm tàng của Đảng cầm quyền, liên quan tới sinh mệnh của Đảng nên cần phải nhanh chóng, kiên quyết loại bỏ. Vì vậy Đảng ta xác định phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng và phải làm kiên trì, liên tục để “Đảng ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt”, “trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã sơ kết và đánh giá sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Theo đánh giá, nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở đã triển khai thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, bước đầu tạo được sự chuyển biến quan trọng trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.
Cũng thông qua kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp có điều kiện học hỏi lẫn nhau, nâng cao trình độ và tinh thần trách nhiệm, giữ gìn đạo đức, lối sống; bước đầu tự sửa chữa khuyết điểm, điều chỉnh hành vi của bản thân.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng nổi lên một số mặt hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục là: Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở các cấp, còn biểu hiện khá rõ tình trạng nể nang, hữu khuynh, né tránh; ý kiến góp ý chủ yếu nêu ưu điểm, ít góp ý và phê bình những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm; chưa đi sâu phân tích làm rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, yếu kém và trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến những vấn đề nổi cộm tại địa phương, cơ quan, đơn vị; nhiều nơi chưa chỉ ra được thực chất, mức độ nghiêm trọng và đối tượng cụ thể của tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm…
Để giải quyết những tồn tại nêu trên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc cho rằng, việc tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng là vấn đề mà cả lý luận và thực tiễn đang đặt ra và đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết. “Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, điều lớn nhất trong Đảng là phải kiểm điểm việc xây dựng Đảng theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Chúng ta kiểm điểm nghiêm túc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên để không phụ lòng mong muốn của Bác” – ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Theo GS.TS.Mạch Quang Thắng – Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), công tác chỉnh đốn Đảng còn chậm so với mong muốn của Bác. Trong Di chúc, Bác đã nêu những vấn đề thực tiễn trong công tác chỉnh đốn Đảng chứ không phải là các vấn đề kinh viện nên công tác chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đang được thực hiện cần phải phấn đấu nhiều nữa. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng phải được tiến hành trên nhiều phương diện, nhưng trước hết phải bắt đầu từ mỗi đảng viên và từng tổ chức cơ sở đảng.
Kỷ niệm 45 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn đầu tiên của Bác Hồ trong Di chúc để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người trước lúc đi xa./.