Bản tin Kinh tế - Tài chính
16/10/2014 12:22
Tổng hợp thông tin kinh tế ngày 16 tháng 10 năm 2014.
Tin trong nước
- Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng (LNH) ngày 15/10: tỷ giá tăng nhẹ trở lại trong phiên sáng sau đó giữ khá ổn định trong phiên chiều. Tỷ giá dao động trong khoảng 21.235-21.255. Giao dịch trên thị trường tiếp tục diễn ra sôi động, thanh khoản duy trì ở mức khá tốt. Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng tăng khoảng 10 điểm cả hai chiều mua – bán, giao dịch tại 21.255- 21.270. Tỷ giá bình quân LNH do NHNN công bố ở mức 21.246, mức giá sàn - trần tương ứng là 21.034-21.458.
- Thị trường tiền tệ ngày 15/10: một số ngân hàng chào giá cao kéo lãi suất thị trường tăng từ 0,1% - 0,3%. Giao dịch trên thị trường không có biến động nhiều, duy trì ở mức trung bình. Lãi suất VND dao động quanh mức: ON:3,3-3,5%; 1W: 3,4%-3,7%; 2W: 3,4%-3,7%; 1M: 3,4%-3,7%; 3M: 3,5%-3,7%. Giao dịch USD ổn định, lãi suất không thay đổi, giao dịch quanh mức: ON: 0,3%; 1W: 0,4-0,6%; 2W: 0,6-0,7%; 1M: 0,7-1,1%.
- Trên thị trường mở ngày 15/10: lượng tín phiếu NHNN trúng thầu được cải thiện nhẹ tuy nhiên vẫn đứng ở mức thấp, đạt 1.199 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu ổn định. Cụ thể: tín phiếu 91 ngày trúng 1.000 tỷ đồng, lãi suất 3,5%, tín phiếu 56 ngày trúng 199 tỷ đồng, lãi suất 3%. Với lượng đáo hạn ở mức 3.693 tỷ đồng, NHNN cung ra 2.494 tỷ đồng trong phiên ngày 15/10 đưa lượng tín phiếu lưu hành xuống mức 224.964 tỷ đồng. Không có giao dịch cầm cố trong phiên hôm qua.
- Thị trường chứng khoán ngày 15/10: chỉ số VN-Index giảm liên tục do áp lực bán chiếm ưu thế, đặc biệt là ở các nhóm cổ phiếu lớn. Cuối phiên, chỉ số VN-Index khôi phục trở lại, đóng cửa ở mức 604,29 điểm, giảm 0,25% so với phiên trước, ghi nhận phiên thứ 4 giảm điểm liên tiếp. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index hồi phục nhẹ, tăng 0,06% lên 89,57 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên trước, tuy nhiên vẫn đứng ở mức trung bình. Tổng khối lượng giao dịch trên cả hai sàn đạt trên 188 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 3.188,56 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn với lượng khá lớn, đạt 124,3 tỷ đồng.
- Trong báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng ANZ đã bày tỏ sự hoài nghi về tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2014 của Việt Nam. ANZ cho rằng GDP bất ngờ tăng mạnh hơn dự kiến dù các chỉ số kinh tế có phần kém khả quan. GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng 5,62% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 5,14% của 9 tháng đầu năm 2013 và cao hơn mức dự đoán 5,4% của thị trường. ANZ vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 5,6% cho cả năm 2014. Ngân hàng này cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện chậm trong năm 2015 với tốc độ tăng trưởng đạt 5,8%.
- Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng nhẹ so với tháng 9/2014. Trong tháng 10/2014 vẫn tồn tại một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá như: giá dịch vụ giáo dục, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh công lập có thể được điều chỉnh tại một số địa phương, giá nước sạch tăng tại Hà Nội, nhu cầu một số hàng hoá như đồ may mặc, thiết bị và đồ dùng trong nhà có khả năng tăng khi chuyển mùa, mùa mưa bão tiếp diễn... Tuy nhiên, cung cầu hàng hoá trong nước vẫn cơ bản ổn định, giá một số hàng hóa thiết yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm. Bên cạnh đó các biện pháp bình ổn thị trường cũng góp phần làm bình ổn giá thị trường.
Tin quốc tế
- Doanh số bán lẻ và giá sản xuất tại Mỹ trong tháng 9 đồng loạt giảm mạnh hơn dự báo. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ tháng 9 giảm -0,3% từ mức tăng 0,6% của tháng trước và thấp hơn dự báo tăng 0,1% của chuyên gia. Bên cạnh đó, giá sản xuất cũng giảm 0,1% trong tháng 9, ghi nhận đợt giảm đầu tiên trong hơn 1 năm qua. Nguyên nhân là do tốc độ tăng lương chậm lại đã khiến cho người dân Mỹ càng thắt chặt chi tiêu. Những số liệu mới công bố này đã khiến thị trường lo ngại hơn về khả năng chống đỡ của nền kinh tế khi Fed bắt đầu thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ bằng việc tăng lãi suất.
- Thị trường lao động Anh đón nhận những thông tin trái chiều. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 giảm xuống mức 6% từ mức 6,2% kỳ trước đó và thấp hơn dự báo 6,1%. Đây là mức thấp nhất kể từ giai đoạn tháng 8 đến tháng 10/2008. Trái lại, tăng trưởng việc làm lại giảm xuống mức 46 nghìn, mức thấp nhất kể từ giai đoạn tháng 3 đến tháng 5 năm 2013. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động chỉ tăng nhẹ và còn thấp hơn so với mức tăng của lạm phát. Hiện tại, NHTƯ Anh BOE đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của thị trường lao động để quyết định chính sách tiền tệ cũng như thời điểm tăng lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.
- Chính phủ Đức cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này do khủng hoảng địa chính trị và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế mùa Thu, GDP của nước này dự báo chỉ tăng 1,2% trong năm 2014 và 1,3% trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức dự báo lần lượt là 1,8% và 2% đưa ra trong báo cáo triển vọng kinh tế mùa Xuân. Ngoài ra, chỉ số CPI tăng ở mức 1% năm 2014 và 1,4% năm 2015, thấp hơn dự báo trước đó lần lượt là 1,5% và 1,7%. Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng cho biết, kinh tế Đức đang trải qua giai đoạn khó khăn cùng với kinh tế thế giới. Theo ông, các cuộc khủng hoảng địa chính trị và tăng trưởng kinh tế toàn càu chậm chạp đã kéo kinh tế Đức suy giảm.
- Lạm phát tháng 9 của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm. Theo số liệu Cục Thống kê, CPI tháng 9 tăng 1,6%, giảm so với cùng kỳ năm ngoái (2%) và thấp hơn dự báo 1,7%. Trong đó, chủ yếu là sự giảm giá của nhóm lương thực, nhiên liệu và một số mặt hàng khác. Con số này còn cách xa so với mức lạm phát mục tiêu 3,5% đã làm gia tăng lo ngại về tình hình tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần phải thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng lên mức mục tiêu 7,5% trong năm nay. Trong một báo cáo khác, chỉ số giá sản xuất PPI giảm 1,8%, ghi nhận tháng thứ 31 giảm liên tiếp do nguồn cung dư thừa trong khi sức cầu yếu.
Nội dung chi tiết bản tin, đề nghị xem tại đây.