Băn khoăn việc nên hay không giải quyết các đơn thư tố cáo nặc danh
15/03/2017 11:26
Trong phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo, nhiều đại biểu băn khoăn về việc nên hay không tiếp nhận, giải quyết các đơn thư tố cáo nặc danh.
Trình bày tờ trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, vấn đề này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo. Hơn nữa, “trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để đâm đơn nặc danh, sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm. Do đó, dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh”, ông Sáu nói rõ.
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập,bởi mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.
Sau khi nghiên cứu, các thành viên Chính phủ cũng đã đồng tình với quan điểm là chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo khuyết danh. Đồng tình, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng không nên quy định việc xử lý, tiếp nhận tố cáo nặc danh trong luật. Cùng với đó, phải xem xét lại quy định được quyền rút đơn tố cáo, vì nếu quy định dễ dãi thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn.
Ở chiều ngược lại, khẳng định đa số cán bộ lãnh đạo là tốt, nhưng cũng không ít lãnh đạo mưu mô, đè nén cấp dưới, điều này đã gây nên tình trạng tố cáo nặc danh – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đồng thời ông nêu thực trạng về cơ chế bảo vệ người tố cáo: “Cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay rất yếu, nhiều trường hợp vì miếng cơm manh áo nên người ta phải im lặng”.
Ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh
Tuy vậy, ông Võ Trọng Việt cũng không đồng ý đưa quy định giải quyết tố cáo nặc danh vào dự luật. “Chúng ta chỉ nên giải quyết đơn thư chính thống” – ông bày tỏ. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng đội ngũ giải quyết khiếu nại, tố cáo làm sao để dân đồng tình, ông Việt khẳng định.
Không cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình phân tích: “Trong xã hội không phải ai cũng có thể dám đứng tên tố cáo. Tôi lấy một ví dụ thôi, trong một trường trung học phổ thông thì tất cả các giáo viên không dám nói trái lời hiệu trưởng, vậy thì nói chi đến tố cáo những việc khác”. Do đó ông Phan Thanh Bình cho rằng không được bỏ ngoài tai tất cả những thông tin không chính danh người cung cấp. Vấn đề của chúng ta là cơ chế sàng lọc thông tin, chứ không phải là bỏ đi hết. “Có những thông tin ban đầu tưởng là rất tào lao, nhưng sau này xác minh lại thấy có sự thật”- ông Bình nói….