Ba thách thức lớn của kinh tế Việt Nam
30/09/2014 12:14
(Chinhphu.vn) - Tín dụng cho nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp; vấn đề xử lý nợ xấu của các ngân hàng và sức khỏe của hệ thống doanh nghiệp là 3 thách thức lớn, kinh tế Việt Nam cần phải vượt qua.
Bình luận trên Báo Đầu tư về con số tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 5,62% mà Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, ông Cao Viết Sinh, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: Đó là con số vượt mọi ước đoán.
Theo ông Sinh, chỉ cách đây 1 tháng, không ai nghĩ tăng trưởng GDP quý III sẽ đạt tới 6,19%, để cả 9 tháng đạt tăng trưởng 5,62%. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ 2 năm trước (năm 2013 là 5,14%, năm 2012 là 5,1%).
Nếu tính theo quý, mức tăng 6,19% cũng cao hơn nhiều so với mức tăng 5,42% của quý II và 5,09% của quý I. Tốc độ tăng trưởng GDP của quý III hai năm 2012 và 2013, tương ứng cũng chỉ là 5,39% và 5,54%.
Nhìn vào những con số này có thể thấy, mặc dù chịu những ảnh hưởng bất lợi từ bên ngoài và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng.
Về những ý kiến quan ngại việc sản xuất trong nước chưa thực sự phục hồi, ông Sinh cho rằng: Không ai phủ nhận chuyện nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng dấu hiệu phục hồi đã trở nên rõ nét và vững chắc hơn. Không chỉ căn cứ vào tốc độ tăng trưởng GDP nói chung, nhìn vào cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ, đều cho thấy điều này, với mức tăng trưởng khá cao.
Nhấn mạnh đến sản xuất công nghiệp, ông Sinh cho biết, 9 tháng qua, sản xuất công nghiệp đã duy trì đà phục hồi, với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng dần qua từng tháng và cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
9 tháng đầu năm, IIP tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm 2013. Nếu tính theo quý, thì quý I/2014, IIP tăng 5,3%; quý II tăng 6,9%, còn quý III, tăng 7,7%.
Đáng chú ý, riêng ngành chế biến, chế tạo ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, từ mức tăng IIP của quý I chỉ là 7,4% lên 8,6% trong quý II, rồi 9,5% trong quý III.
Ông Sinh lưu ý, sau tháng 8 có mức xuất siêu rất cao, với 1,07 tỷ USD, thì sang tháng 9, chúng ta có nhập siêu (khoảng 600 triệu USD). Nhiều khả năng, những tháng còn lại cũng sẽ tiếp tục có nhập siêu. Đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhập khẩu các loại thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu đã tăng trở lại. Doanh nghiệp đã có thêm đơn hàng và như vậy, sản xuất sẽ tiếp tục phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và năm sau.
Tổng cầu dần hồi phục
Nhìn nhận về vấn đề tổng cầu, ông Sinh cho rằng, sức cầu của chúng ta còn yếu và đó cũng là một trong những lý do khiến khu vực dịch vụ dù tiếp tục đà phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng đã chậm lại so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sức mua của nền kinh tế cũng đã dần được cải thiện.
Dẫn con số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm sau khi trừ đi yếu tố giá cả còn tăng 6,2%, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm ngoái, ông Sinh nhận định: Nếu tính theo tháng những tháng gần đây, thì mức tăng tổng mức bán lẻ còn chậm, nhưng mức tăng 6,2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, cũng là dấu hiệu cho thấy tổng cầu của nền kinh tế sẽ dần dần được hồi phục.
Xét về góc độ sử dụng GDP của 9 tháng, tiêu dùng cuối cùng đã tăng 5,28% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng của dân cư đã tăng 5,12%, cao hơn mức tăng 5,02% của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tín hiệu tích cực.
Tăng trưởng sẽ vượt mục tiêu
Về đầu tư, ông Sinh cho biết, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước thực ra đã tăng đáng kể cả về quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng. Nếu như quý I, đầu tư của khu vực này chỉ chiếm 36,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, thì 6 tháng chiếm 35,4%, tăng 7,9% và 9 tháng chiếm gần 37,9%, đạt gần 316.000 tỷ đồng, tăng 12,8%. Mặc dù vậy, mức tăng này vẫn chưa được như kỳ vọng và điều đó là do tín dụng cho nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp.
Bên cạnh đó, giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA những tháng đầu năm cũng đạt khá. Vốn FDI thì đạt 8,9 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ, còn vốn ODA đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ.
Những nguồn vốn quý báu này, cùng với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ đã tích cực được đưa vào nền kinh tế và thực sự đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Dù nhìn trên khía cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, hay sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, đầu tư, sức mua…, đều cho thấy những dấu hiệu là nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi. Tin vào điều này, ông Sinh cho rằng, với tốc độ tăng trưởng GDP 5,62% của 9 tháng đầu năm, năm nay, chúng ta thậm chí sẽ vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra (5,8%).
Ba thách thức
Bên cạnh những yếu tố khả quan thì nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, ông Sinh nhấn mạnh tới ba thách thức lớn.
Thứ nhất, đó là tín dụng cho nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp. Dù những tháng gần đây, tốc độ tăng tín dụng so với cuối năm 2013 đã tăng từ 3,15% vào thời điểm ngày 20/7 lên 4,08% ngày 20/8 và 6,62% ngày 22/9, nhưng nhìn chung, các giải pháp nhằm khơi thông tín dụng vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, sức hấp thụ vốn của DN vẫn còn thấp, tình hình đầu tư sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Vốn không đưa ra được nền kinh tế, hoặc đưa ra chậm, thì khó có thể kỳ vọng tăng trưởng cao. Vốn chính là mạch máu để nuôi dưỡng nền kinh tế.
Thứ hai, là tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và đang có xu hướng tăng trở lại. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 3,61% cuối năm 2013 lên tới 4,07% vào cuối tháng 5 và thậm chí là 4,17% vào cuối tháng 6.
Nợ xấu tăng trở lại chủ yếu do tăng trưởng tín dụng thấp và quá trình xử lý nợ xấu của VAMC còn chậm. Từ đầu năm đến nay, VAMC mới mua được khoảng 19.600 tỷ đồng nợ xấu, thấp hơn nhiều so với kế hoạch mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong cả năm 2014. Trong khi đó, số lượng nợ xấu được VAMC xử lý còn rất thấp so với khả năng bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản…
Thứ ba, hệ thống DN còn gặp rất nhiều khó khăn. “Tôi thực sự thấy lo lắng khi lượng DN giải thể và ngừng hoạt động vẫn tăng 13,8% so với năm ngoái, khoảng 48.330 DN. Trong khi đó, số DN thành lập mới và số vốn đăng ký chưa có nhiều cải thiện” ông Sinh nói: Đây thực sự là những thách thức lớn cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Vượt qua thử thách
Để vượt qua những thách thức nêu trên, 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện một loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường…, nhờ vậy mà tăng trưởng kinh tế mới vượt dự báo. Theo ông Sinh tới đây, vẫn phải tiếp tục thực hiện các giải pháp đó, đặc biệt là việc triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi... Các chính sách tiền tệ, tín dụng, hay đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư phát triển, xúc tiến thương mại… cũng cần tiếp tục nỗ lực thực hiện. Đồng thời, quan trọng là chúng ta phải quyết liệt xử lý nợ xấu, đưa vốn ra nền kinh tế, làm sao để hỗ trợ ở mức cao nhất cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
Một giải pháp căn cơ khác, đó là phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, nhất là sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém…
Đó là những giải pháp mà theo ông Sinh, chúng ta phải quyết liệt thực hiện để có thể lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế không chỉ trong năm nay, mà cả năm 2015. Ông Sinh hy vọng là năm 2015, chúng ta sẽ đạt mức tăng trưởng 6,2%. Đây là điều hết sức quan trọng, vì việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 - 2015 có ý nghĩa rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015./.