Australia khởi xướng điều tra chống phá giá thép mạ hợp kim Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, ngày 07/10/2016, Ủy ban Chống bán phá giá (Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học) nước này đã ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm “thép mạ hợp kim” nhập khẩu từ Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam.

07/10/2016 13:51

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, ngày 07/10/2016, Ủy ban Chống bán phá giá (Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học) nước này đã ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm “thép mạ hợp kim” nhập khẩu từ Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam.

Trước đó, ngày 22/8, Ủy ban Chống bán phá giá của Australia đã thông báo về việc Ủy ban này đã tiếp nhận đơn của doanh nghiệp BlueScope Steel Limited yêu cầu điều tra áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng thép mạ hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam và Ấn Độ.

Doanh nghiệp này cũng yêu cầu điều tra áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Malaysia.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, nguyên đơn là Công ty BlueScope Steel Limited. Hàng hóa bị điều tra là thép mạ hợp kim (galvanished steel) mã HS: 7210.49.00, 7212.30.00, 7225.92.00 và 7226.99.00. Giai đoạn điều tra phá giá và trợ cấp từ 1/7/2015-30/06/2016 và giai đoạn điều tra thiệt hại từ 1/7/2012.

Căn cứ vào bản điều tra này, bên liên quan phải gửi bản trả lời bản câu hỏi điều tra cho cơ quan điều tra trước khi kết thúc giờ làm việc ngày 13/11/2016 qua email tới địa chỉ: [email protected], hoặc bằng fax tới số: +61 3 8539 2499.

Việc trả lời không đúng, không đầy đủ hoặc muộn hơn thời hạn trả lời bản câu hỏi có thể bị coi là không hợp tác với cơ quan điều tra và bị sử dụng các dữ liệu bất lợi sẵn có.

Thông tin công khai về vụ việc được đăng tại trang web: www.adcommission.gov.au

Các bên yêu cầu cơ quan điều tra bảo mật thông tin trong bản trả lời bản câu hỏi phải cung cấp một bản tóm tắt có chứa đủ các chi tiết để cho phép có được sự hiểu biết hợp lý về nội dung các thông tin mật mà không làm lộ các thông tin mật đó hoặc gây ảnh hưởng xấu tới lợi ích của các bên, hoặc chứng minh được rằng không có cách nào để có được một bản tóm tắt các thông tin mật như vậy.

Bản trả lời có chứa các thông tin mật cần được đánh dấu rõ ràng là “chỉ dùng cho cơ quan điều tra” (“FOR OFFICIAL USE ONLY”).

Quyết định tạm thời về vụ việc có thể được ban hành sau 60 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra, nếu cơ quan điều tra nhận thấy có đủ bằng chứng để ban hành một thông báo áp thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp.

Trong trường hợp có Quyết định tạm thời về vụ việc, Liên bang có thể áp dụng biện pháp tạm thời, bao gồm việc áp dụng biện pháp bảo mật. Đối với thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp có thể phải trả của hàng hoá nhập khẩu.

Trường hợp Quyết định tạm thời về vụ việc không được ban hành sau 60 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra, cơ quan điều tra sẽ ban hành một bản báo cáo trong đó giải thích lý do tại sao không ban hành.

Một bản công bố về các dữ liệu chủ yếu sẽ được ban hành vào ngày 25/1/2017, hoặc muộn hơn nếu được người có thẩm quyền (Parliamentary Secretary) cho phép.

Bản công bố này sẽ đưa ra các dữ kiện mà theo đó cơ quan điều tra đã dựa vào để đưa ra khuyến nghị về vụ việc. Các bên liên quan có thể nộp bản bình luận về bản công bố này trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành.

Báo cáo cuối cùng của cơ quan điều tra theo đó đưa ra các khuyến nghị về vụ việc sẽ được trình vào hoặc trước ngày 11/3/2017 (hoặc muộn hơn nếu được cho phép).

Quyết định cuối cùng phải được đưa ra trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan điều tra, hoặc muộn hơn nếu thấy rằng có các nguyên do đặc biệt gây cản trở việc ra quyết định trong thời hạn đó./.