10 sự kiện tiêu biểu nhất của ngành Công Thương năm 2014
30/12/2014 14:09
Năm 2014, ngành Công Thương đã ghi dấu nhiều sự kiện tiêu biểu, trong đó đáng chú ý là: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6%; Kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 150 tỷ USD; năm thứ 3 liên tục xuất siêu; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương; Cổ phần hóa thành công Tập đoàn Dệt may Việt Nam, v.v...
1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6% (cao hơn nhiều so với mức tăng 5,9% của năm 2013 so với năm 2012)
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2014 phát triển với những tín hiệu tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,15% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có chuyển biến khá tích cực với mức tăng cao là 8,45%, cao hơn nhiều so với mức tăng của một số năm trước. Tính chung cả năm 2014, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,6% so với năm 2013. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước tính đạt 2945,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%, cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 299,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng số và tăng 9,6% so với năm 2013; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 2547,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,5%, tăng 10,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 97,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3%, tăng 16,9%.
2. Kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 150 tỷ USD; năm thứ 3 liên tục xuất siêu
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 ước tính đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 48,4 tỷ USD, tăng 10,4%, mức tăng cao nhất từ năm 2012 và đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 101,6 tỷ USD (gồm cả dầu thô), tăng 15,2%, đóng góp 10,1 điểm phần trăm và đạt 94,4 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 16,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 tăng 9,1%. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; hàng dệt, may chiếm 59,4%; giày dép chiếm 77%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,7%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,8%.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn tăng so với năm trước là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 24,1 tỷ USD, tăng 13,4%; hàng dệt may đạt 20,8 tỷ USD, tăng 15,8%; giày dép đạt 10,2 tỷ USD, tăng 21,6%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 11,6 tỷ USD, tăng 10%; thủy sản đạt 7,9 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê đạt 3,6 tỷ USD, tăng 30,8%; gạo đạt 3 tỷ USD, tăng 1,8%; hạt điều đạt 2 tỷ USD, tăng 22,4%. Xuất khẩu dầu thô, cao su và xăng dầu giảm so với năm trước: dầu thô đạt 7,2 tỷ USD, giảm 0,7%; cao su đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28,1%; xăng dầu đạt 924 triệu USD, giảm 26,1%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu năm 2014, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,5 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2013, trong đó tốc độ tăng kim ngạch một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn là: Hàng dệt, may tăng 13,9%; giày dép tăng 26,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 45%. Thị trường tiếp theo là EU với 27,9 tỷ USD, tăng 14,7%, trong đó giày dép tăng 24,1%; hàng dệt, may tăng 22,7%. ASEAN ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng 3,1%, trong đó dầu thô tăng 15,8%; thủy sản tăng 17,8%; máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 16,8%. Trung Quốc ước tính đạt 14,8 tỷ USD, tăng 11,8 % với dầu thô tăng 76,9%; xơ, sợi dệt các loại tăng 40,3%. Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 8%, trong đó hàng dệt, may tăng 9,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 11,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 19,7%. Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, tăng 18,1% với thủy sản tăng 33,9%; hàng dệt, may tăng 30%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 56,7%.
3. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương
Theo Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tái cơ cấu ngành Công Thương theo lĩnh vực: Công nghiệp; năng lượng; thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong lĩnh vực công nghiệp, sẽ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên hướng đến tập trung phát triển một số ngành công nghiệp: sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; giá trị sản xuất lớn; tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển; sử dụng công nghệ cao; tạo nhiều việc làm đòi hỏi trình độ cao; giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.
Cơ cấu lại mô hình hoạt động của một số đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng. Về lĩnh vực năng lượng, tìm kiếm, đa dạng hóa trong huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành năng lượng. Phân bổ nguồn vốn đầu tư hợp lý, đầu tư trong và ngoài nước đảm bảo hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh tập trung nguồn vốn Nhà nước và khuyến khích doanh nghiệp tự bỏ vốn điều tra cơ bản địa chất tìm kiếm, thăm dò đánh giá tài nguyên trữ lượng trên đất liền và thềm lục địa biển Việt Nam làm cơ sở để kêu gọi đầu tư và đấu thầu các hoạt động khai thác mỏ.
Trong lĩnh vực thương mại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch của ngành Công Thương triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
4. Cổ phần hóa thành công Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Ngày 22/9/2014, nhà đầu tư đã mua hết số cổ phần đã đăng ký tại buổi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Buổi đấu giá diễn ra ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Theo đó, Vinatex đưa ra 121.999.150 cổ phần với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá thu hút 87 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 15 nhà đầu tư tổ chức. Cuối buổi, toàn bộ 87 nhà đầu tư tham gia đều trúng đấu giá, khối lượng giao dịch thành công đạt 110.558.200 cổ phần. Giá đấu thành công bình quân 11.000 đồng/cổ phần, bằng với giá khởi điểm. Đáng chú ý trong số này có 55,032 triệu cổ phần được bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Số tiền thu được sau buổi IPO đạt 1.216 tỉ đồng. Theo phương án cổ phần hóa Vinatex được chính phủ phê duyệt, tập đoàn này có vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng. Sau khi cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 51% vốn, còn lại 24% bán cho nhà đầu tư chiến lược, 0,6% cho người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác.
5. Hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi và huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang vượt trước thời gian dự kiến
Ngày 28⁄9⁄2014, tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ Khánh thành Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm.
Phát biểu tại Lễ khánh thành Dự án, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung, chính quyền địa phương và các nhà thầu đã tập trung nguồn lực thực hiện Dự án này, hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Tiếp sau huyện đảo Lý Sơn, huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang tiếp tục được đầu tư kéo điện lưới quốc gia từ đất liền ra xã Hòn Tre là Trung tâm Hành chính - Kinh tế huyện này. Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, dự án công trình dự kiến hoàn thành đóng điện vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.
6. Kết thúc đàm phán 3 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, với Hàn Quốc và với Liên minh Hải quan Nga - Belarus -Kazakhstan.
Từ ngày 8 - 14/12/2014, Vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga-Belarus-Kazakhstan) cơ bản đã kết thúc. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình trao đổi, tham vấn nội bộ để nhanh chóng hoàn tất những vấn đề kỹ thuật còn lại để có thể ký kết Hiệp định vào đầu năm 2015. Được khởi động chính thức từ tháng 3-2013 tại Hà Nội, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (VCUFTA) đã qua 8 vòng đàm phán với nỗ lực của cả hai bên nhằm đạt được lợi ích chung cho các lĩnh vực đàm phán. Hai bên đã tìm được tiếng nói chung về các lĩnh hợp hợp tác thương mại, đầu tư đối với một số mặt hàng mà hai bên có tiềm năng như thủy sản, giày dép với Việt Nam và sữa chế biến, cá hộp và lúa mì với Nga.
Trong một diễn biến liên quan, vào chiều 10/12/2014, tại Busan, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Ngoài ra, Việt Nam đang tích cực tham gia các vòng đàm phán các FTA còn lại để tiến tới kết thúc như FTA với Liên minh châu Âu; Khối mậu dịch tự do (EFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… tiến tới sớm kết thúc các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Trong đó nhiều khả năng FTA Việt Nam-EU sẽ được hoàn thành trong vài tháng tới như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso đã thống nhất trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng tới EU và một số nước châu Âu hồi tháng 10-2014.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2014, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết các vòng đàm phán về TPP đang được các quốc gia, trong đó có Việt Nam, triển khai hết sức tích cực để có thể kết thúc đàm phán sớm nhất trong năm 2015.
Tại lễ ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Nhìn tổng quan với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do FTA trong thời gian tới, môi trường pháp luật, kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi rất lớn, rất căn bản, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn.
Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên nhóm G-20. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh có thể xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước đối tác của Việt Nam với thuế suất thấp và các hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ. Khi đó Việt Nam sẽ là cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường các nước ASEAN và mở rộng ra cả các nước EU, Hoa Kỳ... với các cơ chế ưu đãi theo các Hiệp định FTA".
Về FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam và EU đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA vào tháng 6/2012 tại Brussels, Bỉ. Đến nay, đàm phán đã trải qua 10 phiên chính thức, nhiều phiên giữa kỳ. Ngày 13/10 vừa qua, ngay sau phiên đàm phán thứ 10 tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barosso đã có buổi thảo luận về kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU. Trong Tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định tầm quan trọng của việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA trên cơ sở ghi nhận tiến triển rất tích cực và mức độ thỏa thuận đáng kể trong tất cả các lĩnh vực đàm phán. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất định hướng xử lý các vấn đề còn tồn tại để kết thúc đàm phán trong một vài tháng tới.
Đến nay, hai bên đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng (như hải quan và thuận lợi hóa thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, minh bạch hóa, giải quyết tranh chấp, hợp tác...). Hiện tại, hai bên đang tập trung xử lý một số vấn đề then chốt nhất để chính thức kết thúc đàm phán, hướng tới một thỏa thuận đạt yêu cầu chất lượng cao và cân bằng trong tất cả các lĩnh vực đàm phán mở cửa thị trường (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công) cũng như các quy định và quy tắc quản lý (đặc biệt là sở hữu trí tuệ, bao gồm chỉ dẫn địa lý của hai bên; doanh nghiệp nhà nước; bảo hộ đầu tư...).
7. Trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả (Ban 389 Quốc gia) để thay thế cho Ban Chỉ đạo 127 Trung ương.
Ngày 23/05/2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã ký các Quyết định số 31/QĐ-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả : Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo Quy chế, Ban Chỉ đạo 389 sẽ hoạt động theo nguyên tắc hoạt động thường xuyên thông qua hoạt động của các thành viên và của Văn phòng Thường trực. Trên cơ sở phân công nhiệm vụ rõ ràng, đề cao trách nhiệm cá nhân của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Ủy viên. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở hồ sơ, tài liệu và tình hình thực tế; triệu tập họp Ban Chỉ đạo 389 hàng quý, hoặc đột xuất khi có vấn đề, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng; thành lập hoặc chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra thực hiện nếu cần thiết. Các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực của Bộ, ngành mình và các nhiệm vụ được Trưởng Ban phân công. Ban Chỉ đạo 389 sẽ hành động thiết thực, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
8. Hoàn thành xây lắp nhà máy và bắt đầu có sản phẩm của Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 tại Lào Cai
Sáng nay (28/12), tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, ông Doãn Văn Hưởng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã tham dự Lễ xuất xưởng lô sản phẩm phân bón Điamôn Phốt-phát (DAP) đầu tiên của Công ty Cổ phần DAP số 2-VINACHEM.
Lô sản phẩm phân bón DAP đầu tiên của nhà máy DAP số 2 sản xuất từ ngày 26 đến 28/12/2014 đã đạt sản lượng 900 tấn. Theo đánh giá của Công ty Cổ phần DAP số 2 và các chuyên gia, trong những ngày đầu hoạt động có tải, dây chuyền sản xuất của nhà máy đã đạt 60% công suất so với thiết kế là 330.000 tấn sản phẩm/năm. Lô sản phẩm đầu tiên đạt tất cả các thông số quy định về chất lượng. Kế hoạch của Nhà máy là từ nay đến đầu quý 1/2015 sẽ tiếp tục vận hành sản xuất để hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật cho toàn bộ dây chuyền được đồng bộ.
9. Bắt đầu triển khai Dự án xây dựng Nhà máy điện phân nhôm ở Nhân Cơ, Đăk Nông
Sáng ngày 4/9/2014, tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, xã Nhân Cơ huyện Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông và Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân phối hợp tổ chức lễ động thổ dự án xây dựng Nhà máy điện phân nhôm ở Nhân Cơ, Đăk Nông.
Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông là một mắt xích quan trọng kết nối chuổi sản phẩm từ Alumin(sản phẩm đầu ra của 2 nhà máy Alumin tại Nhân Cơ và Tân Rai) và công nghiệp phụ trợ có ảnh hưởng lớn đến nghành công nghiệp Nhôm nói riêng và nền công nghiệp nói chung.
Sản phẩm đầu ra của dự án là Nhôm là sản phẩm công nghiệp nguồn, trước hết thay thế hàng nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhôm trong nước, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cân đối ngoại tệ, đồng thời là sản phẩm đầu vào của ngành công nghiệp nhôm như: Sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô, xe máy, nhôm cuộn, nhôm định hình….Trong tương lai sẽ hình thành khu công nghiệp nhôm đầu tiên ở nước ta.
10. Triển khai việc bán xăng sinh học E5 tại 7 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5.
Theo lộ trình, từ ngày 01 tháng 12 năm 2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5. Từ ngày 01 tháng 12 năm 2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu là xăng E10. Từ ngày 01 tháng 12 năm 2017 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10.