Vật liệu xây dựng: Giá giảm, hàng vẫn 'ế'

18/03/2015 12:47

(Công thương). Tuy giá giảm nhưng các mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD), đặc biệt là thép tại TP.HCM vẫn được tiêu thụ khá chậm.

Thép xây dựng vẫn đang tiêu thụ chậm.

Ghi nhận thực tế tại nhiều điểm kinh doanh VLXD trên địa bàn thành phố cho thấy, giá thép giảm mạnh so với trước, ví dụ như thép Việt - Nhật giảm từ 400 – 600 ngàn đồng đồng/tấn, tùy loại.

Theo bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Công ty sắt thép Song Phương, giá sắt thép đang giảm cao nhất trong 3 năm qua. Ngành thép cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Cùng quan điểm, đại diện Công ty SMC cho biết thêm, hàng loạt dây chuyền sản xuất thép dài ra đời như: Vinakyoei, Possco SS, Formosa góp phần tăng nguồn cung mạnh mẽ, khiến cho các nhà sản xuất buộc phải giảm giá và bán hàng trực tiếp cho khách hàng. Hoạt động kinh doanh thép xây dựng vì thế cũng khó khăn hơn.

Đối với những mặt hàng VLXD khác như: Xi măng, bê tông, nhựa nóng, gỗ xây dựng , tấm thạch cao, sứ xây dựng, sơn… giá cơ bản ổn định. Cụ thể, giá xi măng đang dao động từ 1- 1,49 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, mác sản phẩm và địa điểm vận chuyển.

Giá thép giảm sâu, một số mặt hàng khác giá ổn định nhưng sức tiêu thụ trên thị trường vẫn khá chậm. Anh Lê Tấn Hiếu - chủ cửa hàng VLXD tại Phú Thạnh (Quận Tân Phú) buồn bã: Việc kinh doanh VLXD gặp nhiều khó khăn, hàng không bán được, tồn kho còn nhiều. “Tôi đang cố gắng giải phóng hết hàng tồn kho trong thời gian ngắn nhất có thể để tránh bị lỗ vì sợ sắp tới hàng chính ngạch VLXD, đặc biệt là thép từ các nước xuất sang Việt Nam không phải chịu thuế sẽ có giá bán thấp hơn hàng trong nước”, anh Hiếu lo lắng.

Anh Phạm Phú Cường - chủ cửa hàng VLXD Phú Cường (Quận Bình Tân ) cho hay, cửa hàng của anh chủ yếu bán cho các cá nhân, tổ chức xây dựng nhà hoặc các công trình nhỏ nên lượng hàng bán được cũng không nhiều. Giá VLXD tuy có giảm nhưng sức mua không cao vì mùa khô mới bắt đầu.

Trước tình hình này, để cạnh tranh nhiều đại lý đã giảm giá thêm khoảng 5% từ phần chiết khấu của công ty để tăng sức mua, nhằm thu hồi vốn. Nhiều cửa hàng VLXD còn tung ra đội ngũ nhân viên tiếp thị, tự tìm đến các công trình xây dựng từ lớn đến nhỏ, kể cả công trình dân dụng để mời chào, báo giá các mặt hàng VLXD, cập nhật mức giá giảm từng ngày để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, các DN sản xuất VLXD cũng đưa ra các "chiêu bài" kinh doanh, như giảm giá, phục vụ đến chân công trình, nhưng kích cầu cũng không đáng kể.

Thời gian tới, hy vọng khi thị trường bất động sản "ấm" dần lên, mức tiêu thụ VLXD sẽ khả quan hơn./.