Thống đốc NHNN: Không có gì phải hốt hoảng về nợ xấu
30/09/2014 12:24
(Chinhphu.vn) - Trong xử lý nợ xấu, nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội dành cho Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về hiệu lực, hiệu quả của VAMC khi công ty này chỉ mua nhiều mà bán lại được ít nợ xấu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình. |
Chiều 29/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình về việc quản lý các lĩnh vực điều hành chính sách tiền tệ, tái cơ cấu ngân hàng, trong đó nhiều câu hỏi về xử lý nợ xấu.
Đơn cử đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) chấn vấn việc nợ xấu từ đầu năm đến nay tăng so với cuối năm 2013, đâu là nguyên nhân? Và những khúc mắc trong hoạt động của VAMC?
Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, bên cạnh giải pháp là thông qua Công ty VAMC thì Việt Nam đang triển khai nhiều cách khác để xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng (TTCD) đã tham gia rất tích cực vào xử lý nợ xấu bằng cách trích lập dự phòng rủi ro. 3 năm qua, hệ thống ngân hàng đã trích lập khoảng 21.000 tỷ đồng. Từ đầu năm tới tháng 7/2014 số dự phòng mà trích lập đã đạt 78.000 tỷ đồng.
Với VAMC thì tới tháng 9/2014 mua được 40.000 tỷ đồng. Cả năm nay VAMC dự kiến mua được 70.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, NHNN tiến hành cơ cấu lại nợ thì trong số hơn 300.000 tỷ đồng có 157.000 tỷ đồng, nếu không cơ cấu sẽ thành nợ xấu sẽ làm nợ xấu tăng lên.
Trên cơ sở thực hiện trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tới cuối tháng 7/2014 tổng nợ xấu là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ, tăng so với cuối năm 2013.
Lý giải tăng, ông Bình cho rằng là do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, TCTD áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện. Vẫn theo ông Bình, trong những tháng cuối năm, các TCTD sẽ tập trung xử lý nợ xấu khi biết được hạch toán thu chi nên nợ xấu giảm khi sử dụng trích lập để xử lý.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) tiếp tục hỏi: VAMC mua được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu mà bán ra chỉ được 2,5% số nợ xấu này thì “vướng là gì”, do năng lực của VAMC hay cơ chế trong mua bán nợ?
Làm rõ hơn câu hỏi đại biểu, Thống đốc Bình cho biết, đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56.000 tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, VAMC đã thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu thuộc 31 TCTD. Cùng với đó điều chỉnh lãi suất cho 4 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh lãi suất là 226 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 16 khách hàng với tổng số tiền miễn, giảm là 60,91 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu là 446 tỷ đồng.
Đồng thời VAMC phối hợp với TCTD cấp bổ sung hạn mức 950 tỷ đồng (đã giải ngân được 425 tỷ đồng) để hoàn thiện 2 dự án dở dang của 2 khách hàng. VAMC đã thực hiện bán nợ của 7 khách hàng với tổng dư nợ gốc của các khoản nợ là 623 tỷ đồng, giá bán nợ là 484 tỷ đồng; bán 11 tài sản bảo đảm của khách hàng, thu hồi được 212 tỷ nợ gốc.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, là định chế mới thành lập, hoạt động trong điều kiện không dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu thì kết quả đạt được như trên là đáng khích lệ, hỗ trợ cho đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Cũng theo ông, báo cáo khó khăn của VAMC về mặt pháp lý hiện đã lên tới 29 trang giấy A4.
Khi được đại biểu Đương hỏi có cần luật cho VAMC không, ông Bình bày tỏ nếu làm luật cho hoạt động của VAMC thì không có thời gian, trong khi xử lý nợ xấu cần phải nhanh để phát triển kinh tế.
“Tôi đã liệt kê luật hiện hành, nếu có nội dung không phù hợp khi xử lý nợ xấu thì sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cân nhắc. Còn trong thẩm quyền Chính phủ thì đã liệt kê các Nghị định có mâu thuẫn để điều chỉnh phù hợp hơn”, ông Bình nói.
Đối với đề xuất nâng cao năng lực tài chính cho VAMC (hiện có vốn 500 tỷ đồng) trong khi khoản nợ mua vào ngày càng tăng cũng là một khó khăn. “Do việc sử dụng ngân sách hiện nay thì chúng tôi không dám đặt ra tăng vốn nên phải có cơ chế về tiền tệ để nâng cao năng lực tài chính của VAMC”, ông Bình nhấn mạnh.
Trước sự sốt ruột của đại biểu Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình) về tiến độ xử lý nợ xấu như hiện nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng: "Ta không có gì phải hốt hoảng về nợ xấu. Nhưng cứ nghĩ như thế thì sẽ là chủ quan. Xử lý nợ xấu phải hết sức bình tĩnh, cần đưa ra giải pháp phù hợp. Hiện tình hình tái chính của các tổ chức tín dụng đã minh bạch hơn rất nhiều và nằm trong giám sát của NHNN”./.