Tác động của thuế quan làm giảm nhu cầu thép tấm toàn cầu
Tác động của thuế quan đang làm suy yếu nhu cầu thép tấm trên toàn cầu, khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và người mua rút lui khỏi thị trường. Từ Mỹ, châu Á đến châu Âu, thị trường thép đang chứng kiến giá giảm, nhu cầu giảm và tâm lý tiêu cực lan rộng, phản ánh rõ rệt những áp lực mà chính sách thương mại bảo hộ đang tạo ra đối với ngành công nghiệp thép toàn cầu.
17/05/2025 16:25
Chỉ số CRUspi đã giảm 2,9% so với tháng trước khi các mức thuế quan ảnh hưởng đến nhu cầu tại các thị trường chủ chốt trên toàn thế giới. Người mua tại các quốc gia như Mỹ đã rút khỏi thị trường do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong khi các nhà xuất khẩu ở các nước khác buộc phải tìm kiếm điểm đến mới cho sản phẩm của họ. Tổng thể, điều này đã làm suy yếu nhu cầu thép tấm toàn cầu, kéo giá giảm.
Những gián đoạn chuỗi cung ứng do thuế quan gây ra tiếp tục lan rộng trên toàn cầu. Dù ban đầu, giá thép tấm tại hầu hết các thị trường lớn đã tăng, nhưng tác động tiêu cực lên nhu cầu ngày càng rõ rệt. Thị trường Mỹ là một ví dụ điển hình. Sau khi hoạt động mua sắm tăng mạnh đẩy giá lên cao trong quý I/2025, người mua hiện đã phần lớn rút lui khỏi thị trường. Thuế quan cao hơn của Mỹ cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm có sử dụng thép từ châu Á, kéo theo giá tại hầu hết các quốc gia trong khu vực này đi xuống. Tâm lý bi quan vẫn chiếm ưu thế tại châu Âu, khiến giá rơi khỏi mức đỉnh gần đây.
Khi người mua tại Mỹ giảm đơn hàng và công suất sản xuất mới được bổ sung vào thị trường, nguồn cung đã gia tăng. Thời gian giao hàng tại nhiều nhà máy hiện khá ngắn và các nhà sản xuất buộc phải cạnh tranh về giá để giành lấy các đơn hàng đang ngày càng khan hiếm. Thêm vào đó, các chào hàng nhập khẩu hiện đang có giá hấp dẫn hơn so với mức giá giao ngay nội địa, tạo ra một thị trường nghiêng về phía người mua. Tại Mexico, các mức thuế của Mỹ áp lên thép thành phẩm đã làm giảm nhu cầu nội địa và kéo giá giảm so với tháng trước.
Các nhà xuất khẩu sản phẩm có sử dụng thép tại châu Á cũng chịu ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ. Các nhà xuất khẩu ô tô Nhật Bản, chẳng hạn, đã điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận giảm, trong khi các nhà sản xuất thép tại nước này đang đối mặt với nhu cầu trong nước yếu và nhu cầu xuất khẩu giảm.
Tại Trung Quốc, dù nhu cầu nội địa hiện vẫn ổn định, các rào cản thương mại vẫn là lực cản rõ rệt. Bất chấp thỏa thuận mới đạt được giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cắt giảm 115% mức thuế hiện hành, các mức thuế quan còn lại vẫn đang kìm hãm xuất khẩu sản phẩm có sử dụng thép. Giá thép tấm nội địa tại Trung Quốc hiện biến động trái chiều so với tháng trước. Trong khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 80 RMB/tấn, thì giá thép cuộn cán nguội (CR) và thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) lần lượt giảm 280 RMB/tấn và 20 RMB/tấn. Nhu cầu đối với thép CR không đạt kỳ vọng, trong khi xuất khẩu các sản phẩm chứa thép chịu áp lực giảm do ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ. Giá HRC tại Trung Quốc cuối tuần qua ở mức 3.280 RMB/tấn, giá xuất xưởng nhà máy tại Thượng Hải, tăng 0,6% so với đầu tuần; trong khi giá CRC giảm xuống mức 3.670 RMB/tấn, giá xuất xưởng.
Ngoại lệ tại châu Á là Ấn Độ, nơi các mức thuế nội địa gần đây cho phép các nhà sản xuất trong nước tăng giá. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan mới đây đã khiến người mua hạn chế đặt hàng.
Xu hướng giảm nhu cầu toàn cầu cũng hiện hữu ở châu Âu. Tuy nhiên, mức giảm giá tại khu vực này đến nay vẫn tương đối nhỏ và tồn kho thấp tại một số mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng có thể báo hiệu nhu cầu tái tích trữ trong những tháng tới. So với mức đỉnh đạt được vào giữa tháng 4, giá thép tấm tại châu Âu đã giảm nhẹ. Theo cập nhật mới nhất của CRU, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Đức hiện ở mức 658 EUR/tấn và 626 EUR/tấn tại Ý. Mức giá này thấp hơn khoảng 10 EUR/tấn so với đỉnh gần đây. Giá CRC tại Đức và Ý lần lượt là 750 EUR/tấn và 723 EUR/tấn. Trong khi đó, giá tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu áp lực trong bối cảnh nền kinh tế nước này vật lộn với lạm phát, đồng nội tệ mất giá và lãi suất cao.
T.L