Ngành thép Việt Nam và vị trí trên bản đồ thế giới
15/06/2017 14:04
Ngành thép Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về công suất, sản lượng và nhu cầu thực tế. Điều này được thể hiện rõ tại biểu đồ và bảng tổng hợp dưới đây.
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | |
Sản xuất thép thành phẩm | 9.151 | 9.212 | 10.289 | 12.331 | 15.022 | 17.544 |
Tỷ lệ tăng trưởng | -1.10% | 0.67% | 11.69% | 19.85% | 21.82% | 16.79% |
Tiêu thụ biểu kiến | 9.697 | 10.956 | 11.769 | 14.441 | 18.487 | 22.588 |
Tỷ lệ tăng trưởng | -8.30% | 12.98% | 7.42% | 22.70% | 28.02% | 22.18% |
Nguồn: VSA
Có thể thấy, sau giai đoạn khó khăn của ngành thép khi tăng trưởng âm vào năm 2011 thì sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép bắt đầu từ năm 2012 đã có sự hồi phục. Tổng sản lượng sản xuất thép các loại và tiêu thụ thép biểu kiến của Việt Nam đã tăng trở trở lại và đặc biệt tăng nhanh trong giai đoạn 2014 - 2015. Tốc độ tăng trưởng sản lượng thép của 2 năm này đạt tới 19,85% và 21,82%. Tương ứng là tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thép biểu kiến của Việt Nam cũng tăng tương ứng tới 22,70% và 28,02%. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng mặc dù có giảm so với 2 năm trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Sản lượng sản xuất năm 2016 tăng 16,79% đạt 17,54 triệu tấn thép thành phẩm và tiêu thụ biểu kiến, tăng 22,18% đạt 22,58 triệu tấn (số lượng này đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2011).
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất (công suất) của ngành thép thay đổi trong những năm gần đây cũng là một yếu tố cần quan tâm:
Đơn vị: 1.000 tấn
TT | Sản phẩm | 2000 | 2004 | 2010 | 2015 |
1 | Gang | 150 | 220 | 600 | 2.700 |
2 | Phôi thép | 300 | 1.000 | 5.390 | 12.610 |
3 | Thép thành phẩm | 2.450 | 6.200 | 17.480 | 26.404 |
3.1 | Thép xây dựng | 2.200 | 4.000 | 9.130 | 12.780 |
3.2 | Thép cán nguội | 2.875 | 5.750 | ||
3.3 | Ống thép hàn | 100 | 1.000 | 2.000 | 3.079 |
3.4 | Tôn mạ | 150 | 1.200 | 3.475 | 4.795 |
Hệ số sử dụng | 67% | 61% | 53% | 57% |
Nguồn: VSA
Có thể thấy năng lực sản xuất thép của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2010-2015. Kể từ khi ngành thép Việt Nam vẫn còn non trẻ khi năm 2000 tổng công suất phôi chỉ đạt 300 nghìn tấn, sản xuất thép thành phẩm chỉ đạt 2,4 triệu tấn thì hiện tại công suất phôi năm 2015 đạt 12,61 triệu tấn (tăng hơn 40 lần so với năm 2000), thép thành phẩm các loại đạt 26,4 triệu tấn (tăng hơn 10 lần so với năm 2000).
Bên cạnh đó, trong tương lai gần, một số dự án thép công suất lớn tầm cỡ khu vực được triển khai xây dựng sẽ đi vào vận hành sẽ đóng góp nâng công suất sản xuất thép Việt Nam lên một mức cao mới. Đặc biệt, sự đa dạng trong chủng loại sản phẩm của các dự án này sẽ giúp ngành thép Việt Nam bổ sung đủ các dải sản phẩm mà hiện nay vẫn đang còn thiếu.
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể trong khu vực và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong ngành thép khu vực ĐNÁ và cải thiện vị trí trong ngành công nghiệp thép thế giới.
Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 24 về sản xuất thép thô trong top 50 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới theo thống kê của World Steel, tăng 2 bậc so với năm 2014 (ở vị trí thứ 26). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang ở vị trí số 1, chiếm 29% tổng sản lượng thép thô của khu vực này.
Sản xuất thép thành phẩm Việt Nam năm 2015 ở vị trí số 1 của các nước ASEAN, chiếm gần 34 % tổng sản lượng thép thành phẩm của khu vực.
Với sản lượng tiêu thụ thép biểu kiến đạt hơn 18,25 triệu tấn năm 2015, Việt Nam vượt Thái Lan để vươn lên vị trí thứ 1 của khu vực ASEAN. Năm 2016 tiêu thụ biểu kiến của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng lên 22,6 triệu tấn.
Với sự ủng hộ của Chính phủ và sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành thép Việt Nam từ vị trí là nước nhập khẩu thép trước năm 2007, sau khoảng thời gian 10 năm, Việt Nam đã trở thành nước tự chủ được thép cho sự phát triển của đất nước và đang dần xuất hiện trên bản đồ thép thế giới.