Bảo vệ sản xuất thép trong nước trước sản phẩm "Thép hợp kim" nhập khẩu

21/11/2014 14:41

Trong thời gian gần đây, sản phẩm thép hợp kim được nhập về Việt Nam tương đối và đã có những ảnh hưởng nhất định đối với ngành sản xuất thép trong nước. Các sản phẩm này có công dụng và mục đích sử dụng như các sản phẩm thép thông thường nhưng được thêm nguyên tố hợp kim Bo hay Cr với hàm lượng nhỏ để khai báo dưới dạng thép hợp kim. Hành động này đã gây thất thu thuế cho nhà nước và ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà sản xuất thép của Việt Nam.

Từ năm 2011 đến nay, lượng thép hợp kim nhập khẩu không ngừng tăng lên. Năm 2011, Việt Nam mới nhập khẩu gần 1 triệu tấn thép hợp kim thì năm 2012 đã tăng gần gấp đôi lên mức gần 2 triệu tấn năm. Năm 2012, thép hợp kim nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh khi đạt hơn 2,3 triệu tấn. Đặc biệt, 10 tháng đầu năm 2014, lượng thép hợp kim nhập khẩu đã đạt hơn 3,9 triệu tấn và dự kiến hết năm 2014 có thể đạt mức hơn 4 triệu tấn.

Trái ngược với mức tăng của lượng, giá các mặt hàng thép hợp kim lại có xu hướng giảm mạnh. Giá bình quân thép hợp kim đã giảm từ mức gần 900 USD/tấn năm 2011 xuống mức dưới 600 USD/tấn năm 2014. Điều này cho thấy rõ ràng có một lượng lớn sản phẩm thép thông thường được chuyển sang khai báo dạng thép hợp kim để trốn thuế.

Các sản phẩm hợp kim nhập khẩu chủ yếu là các loại cuộn cán nóng, tấm cán nóng, thép dạng thanh, que, cuộn (dùng trong xây dựng) và thép hình. Năm 2012, 2013 và 2014, 5 loại sản phẩm này đã chiếm tương ứng 79%, 82% và 93% tổng lượng thép hợp kim nhập khẩu.

Để nhằm hạn chế tình trạng gian lận trên, Ngày 31/12/2013, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thông tư số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN về việc Quy định việc quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, áp dụng từ ngày 01/06/2014 với mục đích tạo hàng rào kỹ thuật và hàng rào hành chính để hạn chế nhập khẩu thép vào Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm thép hợp kim có chứa Bo và Cr.

Theo thống kê số liệu hải quan hàng nhập khẩu, lượng thép hợp kim sau khi áp dụng thông tư 44 không giảm như kỳ vọng mà còn có xu hướng tăng. Lượng thép hợp kim nhập khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 là 347.637 tấn thấp hơn lượng thép hợp kim nhập khẩu bình quân từ tháng 6-10 là 433.292 tấn.

Lượng thép hợp kim chỉ giảm mạnh trong tháng 6, thời điểm thông tư 44 bắt đầu có hiệu lực và các đơn vị cũng như cơ quan quản lý còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, ngay các tháng sau đó, lượng thép hợp kim không những giảm mà còn tăng mạnh trở lại.

Để hạn chế tình trạng này, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã có công văn số 65/HHTVN ngày 17/10/2014 và công văn số 73/HHTVN ngày 17/11/2014 gửi các Bộ ngành chức năng để thông báo về thực trạng nhập khẩu thép hợp kim của Việt Nam trong 10 tháng năm 2014, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra và hậu kiểm nhằm phát huy nội dung của Thông tư liên tịch số 44 để ngăn chặn sự tràn ngập thép giá rẻ, chất lượng không đảm bảo dẫn đến gian lận thương mại làm thiệt hại đến các nhà sản xuất trong nước và thất thu tiền thuế của Nhà nước. Hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ lắng nghe ý kiến của VSA và có những biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước trước áp lực cạnh tranh không lành mạnh từ thép nhập khẩu.