Việc khen thưởng người lao động phải công bằng, chính xác, kịp thời
Đó là ý kiến của của anh Phạm Xuân Huy - công nhân Nhà máy Cán thép Lưu Xá, thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên - một trong những người lao động có nhiều sáng kiến, sáng tạo được áp dụng vào sản xuất đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và giảm sức lao động của đồng nghiệp.
21/07/2023 16:36
Nhà máy Cán thép Lưu Xá, thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, được thành lập từ năm 1972 đến năm 1978 đi vào sản xuất.
Sau 45 năm hoạt động và sản xuất đến nay dây chuyền công nghệ của Nhà máy Cán Thép Lưu Xá đã cũ, mặc dù đã được đầu tư nâng cấp từng phần theo từng giai đoạn nhưng vẫn chưa đồng bộ. Chính vì vậy hoạt động sản xuất của Nhà máy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số công đoạn vẫn còn lao động thủ công, nặng nhọc, thiết bị chưa có sự ổn định lâu dài, việc kiểm tra kiểm soát tốn nhiều công sức…
Tuy nhiên, với tinh thần lao động sáng tạo của đội ngũ cán bộ công nhân viên, trong những năm qua Nhà máy đã có nhiều giải pháp cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ, tập trung nghiên cứu thiết kế nhiều sản phẩm mới đáp ứng thị trường.
Trong đó, anh Phạm Xuân Huy - Tổ trưởng sản xuất, Phân xưởng Cán, Nhà máy Cán thép Lưu Xá đã luôn luôn tìm tòi, học hỏi, đề xuất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu.
Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của anh Huy đã được đơn vị đưa vào áp dụng trong thực tế sản xuất và đạt hiệu quả cao, giảm thời gian dừng và sức lao động, đem lại giá trị nhân văn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điển hình như sáng kiến ‘‘Tận dụng trục cán phế của giá 1 dây chuyền cán cốc để gia công chế tạo bánh nắn cho Máy nắn LMJ400’’ đã mang lại giá trị làm lợi 192 triệu đồng.
Sau khi Nhà máy cải tiến công nghệ, lắp đặt máy nắn đa dòng LMJ400 nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó nhu cầu sử dụng bánh nắn cho các chủng lại sản phẩm từ C80 ÷ C10; L40 ÷ L75 là rất cao.
Giải pháp tận dụng và lựa chọn trục cán giá 1 đảm bảo chất lượng của dây chuyền cán cốc không còn sử dụng để gia công tạo phôi bánh nắn cho máy nắn đa dòng LMJ 400 nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư mua sắm mới.
Cùng với đó anh Huy đã có sáng kiến "Thiết kế, chế tạo cơ cấu gạt đầu mẩu phôi 50x50”, qua đó cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, giảm sức lao động thủ công, nâng cao năng lực cơ khí hóa, tự động hóa trong lao động sản xuất.
Theo đó, khi áp dụng sáng kiến của anh Huy vào sản xuất, công nhân thao tác lái máy cắt 150T sau khi cắt loại bỏ những đoạn phôi 50x50 bị khuyết tật, đoạn cuối của phôi sau khi qua giá cán số 1 thì phải thao tác thủ công: Dùng tay cầm một cây thép dài làm móc để kéo đoạn phôi phế đó xuống thùng chứa đầu mẩu.
Giải pháp của anh Huy là thiết kế và gia công chế tạo cơ cấu gạt đầu mẩu phôi 50x50. Cơ cấu được lắp đặt tại đài thao tác và được điều khiển trên bàn thao tác lái máy. Như vậy công nhân thao tác máy cắt để cắt phôi 50x50 thì sẽ điều khiển khóa lái, lúc này cơ cấu gạt sẽ hoạt động thông qua hành trình của piston.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, anh Phạm Xuân Huy cho rằng, để đoàn viên, người lao động tích cực phát huy sáng kiến, sáng tạo thì công tác thi đua khen thưởng phải thật sự trở thành động lực, lôi cuốn, thúc đẩy mọi cá nhân, tập thể phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó phong trào thi đua phải xây dựng được mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với thực tiễn hoạt động và phải hướng vào hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Đặc biệt thực hiện việc khen thưởng phải công bằng, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng thành tích đạt được, chú trọng khen thưởng cho người lao động trực tiếp có thành tích cao trong phong trào. Phải nâng cao chất lượng khen thưởng, làm cho công tác khen thưởng trở thành động lực biểu dương và ghi nhận đúng thành quả từng cá nhân, từng tập thể, có như vậy sẽ tạo được bầu không khí lao động hăng say, đoàn kết và trách nhiệm, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Hà Anh (Báo Lao Động)